Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
GS Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011). Ảnh: Chinhphu.vn |
Từ năm 1949-1954, ông đi theo cách mạng và nhanh chóng tham gia công việc giảng dạy đại học.
Nguyễn Tài Cẩn là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ tại Liên Xô (cũ) với đề tài Từ loại danh từ tiếng Việt (1960). Đề tài nghe có vẻ đơn giản này hóa ra lại động chạm tới một loạt vấn đề cần giải quyết đối với Việt ngữ học, bởi nó liên quan tới hình thái học, ngữ pháp học, ngữ nghĩa học... của một ngôn ngữ phân tiết tính, không biến hóa hình thái như tiếng Việt.
Tư tưởng học thuật này sau này đã được PGS Cao Xuân Hạo đề cao như một “bảo bối” cho giới ngôn ngữ học của ta. Trong một cuốn sách viết vào năm 2000, PGS Cao Xuân Hạo đã viết: “Cách đây bốn mươi năm đã có một bậc đàn anh của ngành Việt ngữ học, GS Nguyễn Tài Cẩn, đem từ Liên Xô về một báu vật vô giá: Lý thuyết âm tiết-hình vị của một trong những nền ngôn ngữ học ưu tú nhất của nhân loại, lý thuyết duy nhất có thể giải đáp được những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt (và nhiều ngôn ngữ phương Đông khác) đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại và từ đó vạch ra một con đường đúng đắn để khắc phục chủ nghĩa “dĩ Âu vi trung (coi châu Âu là trung tâm)”...
Sự kiện này đã được đa số các nhà nghiên cứu coi đó là một cái mốc, mang tính bước ngoặt, tạo nền móng để Việt ngữ học khẳng định vai trò thực sự của mình.
Thông thạo và am hiểu Hán học, nắm vững tiếng Nga - một điển hình của ngôn ngữ biến hình - yêu văn học dân gian và văn học cổ, Nguyễn Tài Cẩn đã âm thầm làm việc và lần lượt công bố hàng loạt cuốn sách mà mỗi cuốn sách đều là một công trình nghiên cứu công phu và đặc biệt có giá trị: Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (1975), Ngữ pháp tiếng Việt (Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ) (1975), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt (1979), Một số vấn đề về chữ Nôm (1985), Giáo trìnhLlịch sử Ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo, 1995), Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (2004) v.v.
Có thể nói năng lực làm việc của GS Nguyễn Tài Cẩn là đáng nể và sức sáng tạo của ông gần như là vô tận.
Theo GS Đinh Văn Đức – một trong những học trò xuất sắc của GS Nguyễn Tài Cẩn, thì “thành công liên tục trong học thuật của thầy tôi chính là ở chỗ ông có một phương pháp tư duy rất hiện đại và đúng đắn. Thầy nắm rất vững các nguồn lý luận ngôn ngữ học ở các bối cảnh lịch sử khác nhau. Mạnh dạn nhưng cẩn trọng, thầy đã ứng dụng có kết quả các lý thuyết ngữ học vào tư liệu bản ngữ, cả hiện đại và lịch sử, mở ra những ý tưởng rất mới...”.
Năm 2000, GS Nguyễn Tài Cẩn là nhà ngôn ngữ học đầu tiên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về “Các vấn đề Ngữ pháp và Lịch sử tiếng Việt”. Ông xứng đáng được đứng vào hàng ngũ các nhà khoa học xã hội ưu tú nhất của thời đại Hồ Chí Minh, như Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo...
Đã tròn sáu thập niên kể từ năm 1960 đến nay, công lao khai phá cho Việt ngữ học đi đúng hướng của GS Nguyễn Tài Cẩn đã được khẳng định hết sức rõ ràng.
Sự nghiệp của GS Nguyễn Tài Cẩn gắn liền với một người phụ nữ Nga. Đó là GS Nonna Stankevich, người bạn đời và là đồng nghiệp của ông.
Từ một cô học trò, rồi thành vợ một trí thức Việt Nam nghèo khó, giản dị, bà trở thành một người Việt Nam “chính hiệu”. Bà Nonna theo ông về Hà Nội, lên tận Đại Từ - Thái Nguyên sơ tán tránh bom trong những năm chống Mỹ, trèo đèo lội suối, ăn rau rừng, dạy sinh viên trong rừng nơi sơ tán và nuôi hai cậu con trai Việt và Nam trưởng thành. GS Nguyễn Tài Cẩn trả nghĩa vợ bằng việc theo bà về Nga sống những năm cuối đời. Nhưng dẫu cách xa quê cha đất tổ, xa những học trò Việt Nam mà ông yêu quý, tấm lòng ông không ngừng hướng về Tổ quốc. Nhiều năm ông về Việt Nam tham gia các hoạt động khoa học và tiếp tục công bố các công trình lớn nhỏ “như chưa hề có sự chia xa”.
Giờ trái tim của nhà Việt ngữ học tiên phong GS Nguyễn Tài Cẩn đã ngừng đập song đã có rất nhiều học trò tiếp bước ông trên bước đường nghiên cứu và giảng dạy Tiếng Việt. Thành công của họ chính là sự đền đáp công lao dạy dỗ của ông và những gì ông đã cống hiến cho đất nước, cho khoa học.
PGS TS Phạm Văn Tình