Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Lê Hồng Sơn, 9 nhóm chính sách lớn thành phố đề xuất đã được tổ chức xin ý kiến tại 2 cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố và thống nhất cao đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Một trong những chính sách được đề xuất là tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đó, tổ chức chính quyền Thủ đô cơ bản giữ nguyên mô hình như hiện nay theo hướng triển khai chính thức việc không tổ chức HĐND phường theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP. Hà Nội và nghiên cứu bổ sung mô hình tổ chức chính quyền Thành phố thuộc Thủ đô.
Tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND Thành phố, thẩm quyền của thường trực HĐND Thành phố: Tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố; tăng số lượng Phó Chủ tịch, phó Ban HĐND Thành phố; Thường trực HĐND được quyết định một số vấn đề giữa hai kỳ họp.
Đồng thời, được phân quyền về công tác tổ chức, cán bộ như thành lập, tổ chức lại, điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và cấp huyện; được thành lập một số cơ quan chuyên môn đặc thù cấp Thành phố và cấp huyện; chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thủ đô.
Giao quyền chủ động cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị được bổ nhiệm từ cấp phó trở xuống, được ký hợp đồng lao động ở một số vị trí việc làm (công chức, viên chức) khi có nhu cầu.
Thống nhất một chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan, tổ chức các cấp của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội thuộc Thủ đô (không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên).
Thủ đô Hà Nội cũng đề xuất chính quyền Thành phố được phân quyền trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính gồm: Quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần mức tối đa do Chính phủ quy định ở các lĩnh vực quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm. Phạm vi áp dụng trên địa bàn toàn Thành phố. Được ban hành các biện pháp hành chính, hoặc biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính đối với 3 lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Đối với chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô, Thành phố kiến nghị được tuyển dụng thẳng, không qua thi vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thủ đô đối với người có năng lực, trình độ cao về giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khoa học công nghệ (đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế, có công trình khoa học được công nhận…).
Đồng thời, Thành phố được quy định việc ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ theo cơ chế thỏa thuận đối với một số vị trí việc làm trong các cơ quan, đơn vị của Thủ đô (gồm cả vị trí lãnh đạo quản lý) cần có sự đảm nhiệm của người có năng lực, kinh nghiệm và trình độ cao.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Thành phố được quyết định sử dụng ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của Thành phố.
Đối với chính sách về nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô, TP. Hà Nội đề nghị được giữ ổn định tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố trong giai đoạn 10 năm.
Được ưu đãi một số khoản thu như (được hưởng số tăng thu từ thu kết dư ngân sách, được thưởng 100% khoản vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn) để đầu tư phát triển.
Được quy định tăng một số loại thuế (thuế sử dụng đất ở các dự án chậm đưa vào sử dụng, một số loại thuế gián thu để điều tiết tiêu dùng); được phân quyền thu thuế đối với hộ gia đình, cá nhân cho cấp huyện, xã...
Lê Sơn