Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, nhờ việc tích tụ, tập trung ruộng đất nên trong thời gian qua, trên địa bàn Thành phố đã có hàng trăm cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn với quy mô từ 20ha đến trên 100ha tại các huyện ngoại thành, mang lại giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, nhiều vùng sản xuất hoa cây cảnh được hình thành mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Đồng thời đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800ha) với quy mô từ 10 - 20ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm…Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.
Hiện nay, Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, quy mô lớn ở các huyện Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Mê Linh... cho giá trị thu nhập tăng thêm 25-30% so với sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ tạo thuận tiện cho người dân áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất, chăm sóc đến thu hoạch, góp phần giảm chi phí. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng hàm lượng phân bón hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế cao.
Có thể thấy, do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, tập trung sản xuất những mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao đang là hướng đi của ngành nông nghiệp Thủ đô, nhằm mục tiêu vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sạch của người dân vừa mang lại không gian xanh cho đô thị.
Tại huyện Hoài Đức, dù đang trong tiến trình lên quận nhưng với diện tích nông nghiệp còn khá lớn thì việc lựa chọn các cây con giống phù hợp đang được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển nông nghiệp. Với hơn 2ha đất nông nghiệp còn lại, gia đình ông Nguyễn Văn Bách, ở xã Yên Sở, đã tập trung vào trồng các loại cây ổi theo phương thức VIETGap nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hay như mô hình nho hạ đen của gia đình ông Nguyễn Hữu Hùng, xã An Thượng, được kết hợp hài hòa hơn giữa thu hoạch sản phẩm cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đồng thời kết hợp mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm đã mang lại giá trị kinh tế cao, cũng như tạo không gian xanh cho người dân Thủ đô.
Việc chuyển đổi các mô hình nông nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái kết hợp hoạt động du lịch trải nghiệm đang được các huyện ven đô tập trung phát triển. Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, dù diện tích nông nghiệp bị thu hẹp nhưng nhờ phát triển các hoạt động nông nghiệp du lịch sinh thái đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Ngoài ra, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường.
Trong Ðề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2026 và tầm nhìn đến năm 2030, Thành phố đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, phấn đấu tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt hơn 70%; đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm nông nghiệp của thành phố kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm đang được hiện thực hóa và đi đúng hướng.
Theo Thành ủy Hà Nội, để đạt được mục tiêu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%, Sở NN&PTNT Hà Nội cần tập trung thực hiện các giải pháp, rà soát, tham mưu cơ chế, phương thức tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời xây dựng chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng, khu vực sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản cho phù hợp với tình hình thực tế, ổn định cung cầu, tránh để xảy ra tình trạng phải giải cứu sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Chú trọng những sản phẩm cây trồng, dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhu cầu và phục vụ phát triển đô thị, phù hợp với tính chất, đặc điểm tình hình mặt bằng đất đai khu vực đô thị, khu vực ven đô, phát triển các mô hình trang trại nông nghiệp trong đô thị.
Thiện Tâm