Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà Vũ Thu Hà, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội - Ảnh: VGP/Minh Anh |
Bà Vũ Thu Hà: Thủ đô Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị-hành chính, kinh tế, văn hóa-xã hội của cả nước; là đô thị loại đặc biệt, có quy mô dân số đứng thứ 2 trong cả nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, diện mạo Thủ đô, đặc biệt là khu vực đô thị đã có những bước phát triển vượt bậc, mang tầm vóc của một đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông đô thị, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, truyền thông… và cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ tại khu vực đô thị của Thủ đô đã và đang được đầu tư, xây dựng đồng bộ, đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Trong công tác quản lý hành chính của thành phố Hà Nội, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin đang được áp dụng mạnh mẽ trong cải cách hành chính, tạo những chuyển biến đột phá như: Các thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian thực hiện; dịch vụ hành chính công cấp độ 3, 4 đã được cung cấp đến người dân, tạo nhiều thuận lợi, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp…
Thành phố Hà Nội vẫn đang trong quá trình phát triển, có tốc độ đô thị hóa rất cao. Quá trình đó không chỉ diễn ra ở các quận nội thành mà còn lan tỏa sang các huyện ngoại thành; các khu vực nông thôn cũng đang chuyển biến, mang nhiều đặc trưng của đô thị hơn là của nông thôn. Quy mô đô thị của thành phố Hà Nội ngày càng mở rộng cùng với tính thống nhất, liên thông, tạo thành những mạng lưới, hệ thống đồng bộ, xuyên suốt địa bàn, không thể chia cắt theo địa giới hành chính, đòi hỏi sự quản lý tập trung, thống nhất. Do đó, mô hình quản lý, cơ chế quản lý nhà nước của thành phố Hà Nội phải có những đặc trưng phù hợp với tính chất của đô thị để bảo đảm sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.
Ngay sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 “đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”, thành phố Hà Nội đã bắt tay vào xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị để báo cáo Trung ương xem xét cho phép triển khai.
Ngày 19/4/2019, Bộ Chính trị đã họp và thông qua Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Ngày 27/11/2019, tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97.
Đây là những cơ sở để từ ngày 1/7 tới, thành phố Hà Nội chính thức triển khai thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây theo Nghị quyết 97 của Quốc hội.
Những nội dung đổi mới trong cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ công chức tại UBND phường theo mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp các địa phương, đơn vị thực hiện thí điểm đổi mới, tinh gọn bộ máy nhưng vẫn bảo đảm tăng cường hiệu lực, hiệu quả, sự đồng bộ thông suốt trong quản lý, tính đến giải pháp thay thế để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân khi không tổ chức HĐND phường; nâng cao được tính năng động, chủ động của địa phương.
Đây thật sự là một bước chuyển biến mới, bước đầu để triển khai mô hình chính quyền phù hợp với tính chất của đô thị, tạo đà cho Thủ đô tăng tốc phát triển trong tương lai.
Đến nay, Sở Nội vụ đã thực hiện kế hoạch của Thành phố về việc tổ chức mô hình này như thế nào, thưa bà?
Bà Vũ Thu Hà: Ngày 12/4/2021, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND để triển khai thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ, phân công nhiệm vụ các sở, ngành, các quận và thị xã Sơn Tây để bảo đảm các điều kiện thực hiện thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội từ ngày 1/7. Đến thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội và các sở, ngành, UBND các quận và thị xã Sơn Tây đã triển khai thực hiện các công việc theo đúng kế hoạch.
Cụ thể, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi tỉ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Thành phố cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc triển khai một số nội dung về tài chính-ngân sách khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị; hướng dẫn nội dung chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp-hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32 của Chính phủ; quyết định ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Bộ Tư lệnh Thủ đô đã ban hành Hướng dẫn về thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo Nghị định số 32.
Công an Thành phố hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp với UBND quận, thị xã thực hiện các nhiệm vụ về bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn quận, thị xã, trên địa bàn các phường theo quy định tại Nghị định số 32. Sở Nội vụ ban hành Hướng dẫn về việc chuyển chủ tịch, phó chủ tịch, công chức cấp xã ở phường thành công chức do UBND quận, thị xã quản lý.
Kết quả đến nay, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị đã ban hành đầy đủ các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị định số 32 từ ngày 1/7.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký ban hành Quyết định số 2696/QĐ-UBND về ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Xin bà cho biết, quy chế này có điểm gì đặc biệt so với quy chế làm việc của phường trước đây?
Bà Vũ Thu Hà: Ngày 21/6 vừa qua, Chủ tịch UBND Thành phố đã ký Quyết định số 2696/QĐ-UBND ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, Quy chế quy định nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của UBND phường với các cơ quan, tổ chức liên quan.
Chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch UBND phường, trưởng công an phường, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường, các công chức khác làm việc tại UBND phường và người hoạt động không chuyên trách ở phường, tổ trưởng tổ dân phố, các tổ chức và cá nhân có quan hệ làm việc với UBND phường chịu sự điều chỉnh của quy chế này.
Quy chế cũng quy định cụ thể, chi tiết về mối quan hệ công tác của UBND phường với HĐND quận (thị xã); với UBND quận (thị xã), với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận và các cơ quan chức năng khác; với Đảng ủy phường; với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở phường; với tổ dân phố. Quy chế này cũng quy định cụ thể về chế độ hội họp, giải quyết công việc …
UBND phường sẽ căn cứ vào đặc thù quản lý, đặc điểm cụ thể của địa phương ban hành quy chế làm việc của cơ quan để thực hiện từ ngày 1/7, bảo đảm phù hợp với quy chế mẫu và đúng quy định của pháp luật.
Điểm khác của Quy chế này so với Quy chế mà các phường đã và đang thực hiện ở chỗ: Quy chế này xác định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc của UBND phường với vị trí là một cơ quan hành chính. Chủ tịch UBND phường điều hành hoạt động của UBND phường trên cương vị là thủ trưởng cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND, chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về mọi chỉ đạo, điều hành, quyết định về các lĩnh vực công tác của UBND phường. Trước đây, Chủ tịch UBND phường chỉ thay mặt UBND phường chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác.
Về mối quan hệ công tác với các cơ quan, tổ chức, Quy chế này vẫn quy định cụ thể, bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo bà, hiện nay còn vướng mắc gì trong việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị?
Bà Vũ Thu Hà: Hiện nay, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường gồm các chức danh: Bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBMTTQ, chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường vẫn là cán bộ cấp xã, chưa có hướng dẫn cụ thể để chuyển thành công chức do quận, thị xã quản lý. Do vậy, để đồng bộ, thống nhất quản lý biên chế cán bộ, công chức phường theo Nghị quyết số 97 của Quốc hội, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét và quy định việc quản lý cán bộ, công chức phường được đồng bộ, thống nhất.
Xin cảm ơn bà!
Minh Anh (thực hiện)