• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hạ tầng đường sắt: Không bảo trì, không nâng cấp, DN “ngồi đếm” hao mòn

(Chinhphu.vn) – Kết cấu hạ tầng đường sắt hiện nay, không kể đến đường ray chạy tàu với độ tuổi hơn 100 năm mà những khu nhà ga, kho bãi đều đang được cảnh báo xuống cấp nghiêm trọng và hầu hết đều quá niên hạn sử dụng…

12/12/2019 14:37

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: VGP/Phan Trang.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về những bất cập hiện nay đối với hạ tầng đường sắt.

220 công trình kiến trúc quá niên hạn

Hạ tầng đường sắt cũ nát, xuống cấp không chỉ với các đường ray chạy tàu mà còn có thể thấy rõ tình trạng này ở các nhà ga. Hiện nay kinh phí cho việc bảo trì khối tài sản này thực hiện đến đâu thưa ông?

Ông Vũ Anh Minh: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đang quản lý 297 nhà ga. Phần lớn trong số này là nhà ga, kho ga cấp IV, tiêu chuẩn kỹ thuật rất thấp. Tổng diện tích đất nhà ga, khu ga lên tới 9,4 triệu m2, trong đó có trên 10 khu ga nằm tại những vị trí đắc địa của các thành phố, đô thị lớn của đất nước.

Có tới 220 công trình kiến trúc đã quá niên hạn sử dụng, với hơn 45 nghìn m2, trong đó có 25 công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Về hệ thống kho ga, bãi hàng, hiện cũng có hơn 38,5 nghìn m2, chủ yếu đã đầu tư từ nhiều năm trước.

Lý do xuống cấp chủ yếu do thiếu vốn đầu tư, vốn ngân sách hạn hẹp nên nhiều năm qua, đầu tư cho đường sắt rất ít. Trung bình mỗi năm, Nhà nước cấp vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) chỉ được khoảng 40% định mức kinh tế kỹ thuật tính đủ.

Từ năm 2011-2019, kinh phí nâng cấp, cải tạo tài sản KCHTĐS bình quân chỉ khoảng 1.022 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm 2,34% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành giao thông vận tải.

Bình quân hàng năm duyệt chi cho bảo trì nhà ga chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Số kinh phí này chia đều cho 297 nhà ga thì quét vôi ve cũng không đủ. Có năm còn thấp hơn, như năm 2018 chỉ được cấp 37 tỷ đồng.

Một số công trình tại các nhà ga để phục vụ hành khách như: Mái che, ke ga, chỉnh tu, sửa sang kiến trúc… phải lấy từ kinh phí sửa chữa định kỳ và vẫn trong nguồn vốn cấp cho bảo trì hạ tầng hàng năm, nghĩa là vẫn phải “giật gấu vá vai”.

Nhìn thấy rõ nhất như Ga Hà Nội hiện nay xuống cấp đến mức phía bên Pháp đã cảnh báo an toàn ở nhóm C rồi nhưng chúng ta vẫn không đủ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa.

Trong khi đó, Tổng Công ty ĐSVN có muốn bỏ tiền đầu tư cũng không được.

Vì cho đến nay, tất cả cơ chế, chính sách về khai thác, kinh doanh tài sản KCHTĐS đều không có cơ chế cho phép Tổng Công ty ĐSVN được trực tiếp đầu tư hoặc hợp tác với các doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khối tài sản này. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh cho thuê tài sản KCHTĐS cho đến nay cũng chỉ được khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Xin ông lý giải rõ hơn về việc “muốn bỏ tiền đầu tư cũng không được”?

Ông Vũ Anh Minh: Tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quốc gia do Nhà nước đầu tư bao gồm cả đất gắn với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được chia thành 2 loại: Tài sản KCHTĐS quốc gia trực tiếp liên quan đến chạy tàu và tài sản KCHTĐS quốc gia không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.

Hiện tại, toàn bộ tài sản KCHTĐS quốc gia đều được giao cho Tổng Công ty ĐSVN quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ giao tài sản (KCHTĐS) mà không giao vốn, dẫn đến việc doanh nghiệp trực tiếp quản lý, khai thác, kinh doanh nhưng không được sở hữu tài sản. Do đó, Tổng Công ty không được phép dùng tiền của doanh nghiệp để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa tài sản đó phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu có sử dụng thì cũng không được hạch toán.

Đường sắt khác với 4 phương thức vận tải còn lại. Ví dụ như: Đối với hàng không thì đường cất-hạ cánh là của Nhà nước, còn nhà ga, sân đỗ thì doanh nghiệp được đầu tư; đối với hàng hải thì luồng, đèn biển, phao tiêu, báo hiệu là của Nhà nước còn doanh nghiệp được đầu tư vào cảng biển; tương tự đối với đường thuỷ nội địa. Rõ ràng nhất là đường bộ, đường là Nhà nước đầu tư còn bến xe thì doanh nghiệp đầu tư.

Có thể thấy, trong khi các phương thức khác thì phần giá trị gia tăng của các hoạt động hỗ trợ vận tải có dư địa về lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với sản phẩm vận tải thuần tuý nhưng đường sắt thì không đủ vốn để đầu tư cho các hoạt động hỗ trợ vận tải, không thu hút được khách hàng, dẫn đến việc doanh thu từ mảng này cũng không đáng bao nhiêu.

Ga Hà Nội đã xuống cấp nhiều năm nay nhưng không có kinh phí bảo trì, sửa chữa. Ảnh minh hoạ. 

Không ga nào đủ tiêu chuẩn đưa thiết bị bốc xếp hiện đại

Được biết, đường sắt vốn có nhiều ưu thế như: Giá cước ổn định trong thời gian dài, ít biến động, vận chuyển được hàng nặng trên những tuyến đường xa, độ an toàn cao, đảm bảo hàng hóa không bị mất mát, hư hỏng, đảm bảo thời gian giao hàng… Tuy nhiên, vận tải hàng hoá đường sắt không những không tăng mà còn có xu hướng giảm (so với các phương thức khác). Nguyên nhân vì sao thưa ông?

Ông Vũ Anh Minh: Như đã nói ở trên, kinh phí Nhà nước dành cho việc bảo trì, nâng cấp KCHTĐS nói chung vô cùng hạn chế, do vậy tương tự như các ga tàu khác chúng ta vẫn thấy thì các ga hàng hoá, kho hàng, bãi hàng… đường sắt cũng không được đầu tư, nâng cấp tương xứng. Trong khi đó, vận tải hàng hoá trên tuyến thực tế chỉ là 1 phần của chuỗi logistic còn ga hàng hoá, kho hàng… mới là khâu nếu được đầu tư tốt sẽ giảm giá thành xếp dỡ, lưu kho cho chủ hàng rất nhiều.

Phải khẳng định, đường sắt hiện nay không có ga nào đủ tiêu chuẩn để đưa thiết bị bốc xếp hiện đại vào để rút ngắn thời gian quay vòng của xe hàng, để giảm giá thành vận tải. Tại tất cả các ga đường sắt đều thực hiện xếp dỡ thủ công, phương tiện thô sơ. Ga Sóng Thần với bãi hàng được coi là lớn nhất Việt Nam thì trông “như một trận địa pháo”, phương tiện ra vào khó khăn, ùn tắc, tàu biến thành kho làm cho thời gian xếp dỡ kéo dài, chi phí tăng, dẫn đến việc đường sắt mất sức cạnh tranh với các phương thức khác.

Không có kho hàng coi như vận tải hàng hoá mất đi vùng hậu phương, vận tải hàng hoá đường sắt ngày một thu hẹp lại là điều dễ hiểu. Trong khi Tổng Công ty ĐSVN lại không thể đầu tư vào kho bãi vì đây đều là tài sản nhà nước, còn nếu xin đầu tư riêng lẻ từng kho bãi một thì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành tập trung đặc thù của chạy tàu.

Giao hạ tầng dưới hình thức tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Tổng Công ty ĐSVN có báo cáo những bất cập này lên Bộ GTVT và Chính phủ không? Tổng Công ty có đề xuất, kiến nghị gì?

Ông Vũ Anh Minh: Mới đây, Tổng Công ty ĐSVN có kiến nghị qua Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cũng như Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao phần tài sản KCHTĐS quốc gia do nhà nước đầu tư gồm toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng, nhà cung cầu, cung đường và toàn bộ tuyến Đà Lạt - Trại Mát giao cho Tổng Công ty ĐSVN theo hình thức tăng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Khi đó, các tài sản này do Tổng Công ty đứng tên sở hữu và có thể chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để xây mới, nâng cấp nhà ga thành các khu trung tâm phức hợp hiện đại. Ngoài công năng chính là phục vụ vận tải như: Phòng đợi, bãi hàng, kho... sẽ có các chức năng thương mại khác như: Siêu thị, cho thuê văn phòng.

Như vậy, chất lượng hạ tầng và nhà ga, kho bãi đều sẽ tăng đều cả với hàng hoá và hành khách. Có thể thấy, thay vì việc chúng ta chỉ theo dõi hạ tầng hao mòn từng ngày như hiện nay thì giao tài sản cho doanh nghiệp để doanh nghiệp bảo toàn và phát triển đồng vốn của Nhà nước. Đây thực tế không phải cơ chế mới hay đặc thù cho đường sắt mà đây là những cơ chế đã có ở các phương thức vận tải khác rồi.

Nếu được giao tài sản dưới hình thức tăng vốn cho doanh nghiệp, Tổng Công ty sẽ có phương án cải thiện KCHT không liên quan đến chạy tàu (nhà ga, kho bãi) hiện nay như thế nào?

Ông Vũ Anh Minh: Đầu tiên là có được nguồn vốn để cải thiện hạ tầng khu ga mà không cần trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Nhà nước không phải mất khoản kinh phí bảo trì hàng năm hay kinh phí đầu tư, vì trách nhiệm này sẽ thuộc về Tổng Công ty sau khi giao tài sản.

Hiện, tổng giá trị các khu ga này trên sổ sách chỉ còn hơn 147 tỷ đồng. Nếu giao cho Tổng Công ty sẽ phải định giá lại, khi đó giá trị sẽ lên khoảng 500 tỷ đồng. Nghĩa là sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lên hàng trăm tỷ đồng.

Ví dụ, sau nâng cấp, khu ga Hà Nội được phép cho thuê hạ tầng, sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, thành phố Hà Nội sẽ thu được khoảng 100 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng, Nhà nước thu được 200 tỷ đồng tiền cho thuê hạ tầng, mà cụ thể là thuê đất (theo quy định hiện hành, Nhà nước thu 20% tiền cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu ga), còn doanh nghiệp có 700 tỷ đồng để chi phí.

Với doanh thu có được từ cho thuê hạ tầng ga, Tổng Công ty ĐSVN sẽ lấy từ nguồn thu này để chi cho các chi phí điều hành, nuôi bộ máy tổ chức, phục vụ chạy tàu, từ quản lý đến lao động trực tiếp và chi cho bảo trì nhà ga, tái đầu tư; thay vì thu phí điều hành giao thông đường sắt từ các công ty vận tải như hiện nay. Các công ty vận tải sẽ không phải trả phí điều hành giao thông, hoặc nếu có cũng sẽ ít hơn, từ đó có cơ hội giảm giá vé, giảm giá cước và mới cạnh tranh được với các phương tiện khác.

Quan trọng nhất là khi được đầu tư, diện mạo nhà ga sẽ thay đổi, hiện đại, khang trang hơn, chất lượng phục vụ hành khách và hàng hóa tại nhà ga cũng sẽ được nâng lên nhiều.

Tuy nhiên, khi được giao, chúng tôi cũng đảm bảo thực hiện ưu tiên hàng đầu vẫn là phục vụ cho tổ chức chạy tàu, phục vụ vận tải, còn lại mới là khu thương mại. Đất khu ga là đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, kết cấu hạ tầng giao thông, nghĩa là theo luật, không bao giờ được phép chuyển đổi thành đất nhà ở hay đất thương mại, chỉ có thể khai thác để nâng cao giá trị gia tăng của tài sản. Nhà đầu tư chỉ có tài sản trên đất và được khai thác trong bao nhiêu năm, sau đó phải trả lại Nhà nước.

Phan Trang (thực hiện)