Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Như tin đã đưa, ngày 21/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tại Bộ Giao thông vận tải về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Theo thống kê trước buổi kiểm tra, từ 1/1/2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT 610 nhiệm vụ, Bộ đã hoàn thành 510 nhiệm vụ, còn 95 nhiệm vụ trong hạn và 5 nhiệm vụ quá hạn. Tuy nhiên, với những nỗ lực mới nhất, tính tới thời điểm kiểm tra, Bộ chỉ còn 2 nhiệm vụ quá hạn.
Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo Bộ GTVT và trực tiếp là Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cùng các đơn vị đã giải trình, làm rõ về 2 nhiệm vụ quá hạn và đặc biệt là về 9 vấn đề Thủ tướng lưu ý.
Nạo vét lòng sông nhưng hút cả bờ sông
Vấn đề nóng nhất tại cuộc kiểm tra là tình trạng khai thác cát lòng sông và ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, liên tục bị hai Bộ trưởng ngắt lời.
Ông Giang cho biết từ năm 2008 đến năm 2015, Cục đã cấp phép cho 66 dự án nạo vét luồng sông cho phép tận thu cát. Tuy nhiên, do những bất cập phát sinh, năm 2015 đã dừng 22 dự án, năm 2016 tiếp tục dừng 16 dự án. Các dự án còn lại sẽ kết thúc vào năm 2017 và tới năm 2018 sẽ chỉ còn 2 dự án.
Các địa phương cũng cấp phép khoảng 600 mỏ khai thác cát trên sông. Ngoài ra, còn có các điểm khai thác cát không phép với khoảng 2.000 bến bãi.
Khi ông Giang trình bày rất kỹ về các quy định liên quan, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ngắt lời và nêu rõ quy định như vậy nhưng thực tế lại khác hòan toàn. Khai thác cát mang lại lợi nhuận rất lớn, nhưng nếu để nạo vét tận thu cát thì nhà nước không thu được thuế.
“Tuần trước tôi về quê Ý Yên (Nam Định), có tình trạng dân mang cuốc xẻng ra đánh nhau với cát tặc. Năm 2004, người dân ở đây từng va chạm đổ máu với cát tặc. Các tàu khai thác cát trái phép thường đưa vòi hút lung tung, mâu thuẫn ngay với các đơn vị nạo vét được cấp phép. Thủ tướng đề nghị Bộ nên dừng cấp phép việc nạo vét và giao cho địa phương. Hiện địa phương phải gánh chịu hậu quả mà lại không thu được kinh phí. Để địa phương cấp phép thì lợi ích gắn liền với trách nhiệm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Chốt lại nội dung này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng. Bộ sẽ phân cấp cho địa phương cấp phép, quản lý theo khuyến cáo của Bộ, Bộ chỉ quản lý luồng vận tải.
“Địa phương phản ứng rất đúng, vì họ thiệt hại rất nhiều mà không được quyền lợi gì. Chỗ nạo vét thì không nạo vét mà toàn nạo vào bờ. Bộ đã chỉ đạo dừng toàn bộ và kiểm điểm, đánh giá lại”, Bộ trưởng nói và cho biết Cục Đường thủy nội địa đã đình chỉ 3 đồng chí thanh tra của Cục.
Đây có phải lỗ hổng chính sách không?
Liên quan tới hàng loạt vấn đề như xây dựng thể chế, chống ùn tắc giao thông và xử lý nạn xe dù bến cóc, xe quá tải trọng, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải nêu nhiều giải pháp, nhưng vấn đề nổi lên là sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt vấn đề, gần đây xuất hiện tình trạng xe hợp đồng trá hình khi Nghị định 86 cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón trả khách. “Vậy thì đây có phải là lỗ hổng chính sách không?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi và nhắc lại tinh thần là đi cụ thể vào từng vướng mắc để tháo gỡ.
Ông Trần Bảo Ngọc thừa nhận đây là lỗ hổng và cho biết sẽ bổ sung nội dung này khi sửa đổi Nghị định 86. Ông cũng bổ sung thêm nhiều quy định chưa chặt chẽ cần hoàn thiện như như điều kiện xe hợp đồng, đồng thời với các giải pháp như áp dụng phần mềm quản lý xe hợp đồng, xây dựng các bến xe, các điểm đón trả khách thuận lợi cho người dân…
Nhận định đây là vấn đề cấp bách, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị chậm nhất là ngày 20/4, Bộ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 86, tập trung vào 4 vấn đề mà doanh nghiệp phản ánh là gây khó khăn. Cụ thể là vấn đề quản lý được Uber và Grab; vấn đề quản lý được xe hợp đồng dưới 10 chỗ; quy định kinh doanh taxi phải có số lượng xe tối thiểu; và cách nào để những xe kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp có thể thủ tục đăng ký cấp giấy phép nhanh hơn…
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Vụ Vận tải bắt tay triển khai nhiệm vụ này ngay từ hôm nay, không đợi thông báo chính thức.
Giải trình bổ sung, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết cơ quan này đang triển khai hệ thống cân tự động trên các tuyến đường, xe đi qua là sẽ biết quá tải hay không; dự kiến trong tháng 4 sẽ làm xong mô hình chung và quý II sẽ triển khai.
Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng nêu rõ, tình trạng xe quá khổ quá tải có trách nhiệm của Bộ GTVT từ khâu đăng kiểm. “Muốn xử lý quá tải thì phải xử lý xe cơi nới, trách nhiệm này của Bộ, không đổ cho ai được. Khi Thủ tướng đi Tuyên Quang, xe quá tải chạy nườm nượp, Thủ tướng nhắc đi nhắc lại yêu cầu này. Bộ phải hết sức quyết liệt, có giải pháp căn cơ, nếu vướng mắc thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Liên quan tới các trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết hiện đã trình Thủ tướng dự thảo quyết định về thu phí không dừng. Dự kiến từ ngày 30/6 sẽ áp dụng trên toàn bộ 28 trạm BOT trên Quốc lộ 1 và qua Tây Nguyên. Việc này sẽ góp phần bảo đảm công khai, minh bạch, giám sát các trạm thu phí.
Giải trình về tai nạn giao thông, nhất là tai nạn đường sắt diễn biến rất phức tạp gần đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết trên cả nước có tới 4.287 lối đi dân sinh tự phát và 85% số tai nạn xảy ra tại các lối đi này. Trong năm nay sẽ hoàn thành rào chắn tự động tại khoảng 300 lối đi, những nơi chưa có rào chắn thì xây dựng các gờ giảm tốc để tất cả các phương tiện phải dừng lại quan sát – dự kiến tới 2018 có thể làm xong…
Kỷ lục của Bộ GTVT
Kết luận buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ GTVT đã nỗ lực rất lớn, chỉ có 2 nhiệm vụ quá hạn trong tổng số 610 nhiệm vụ được giao, tỷ lệ thấp nhất trong số các bộ ngành, địa phương đã kiểm tra. Bộ cũng có nhiều cố gắng trong hòan thiện thể chế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và cả 2 nhiệm vụ quá hạn đều không liên quan tới thể chế.
Điểm lại những vấn đề nóng được đề cập tại buổi kiểm tra liên quan tới an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, khai thác cát, sửa đổi Nghị định 86, xe dù bến cóc, xe quá tải, các dự án BOT…, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ cần hết sức quan tâm những vấn đề này trong thời gian tới với kế hoạch, giải pháp cụ thể, quyết liệt.
Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý Bộ GTVT khẩn trương thực hiện yêu cầu của Thủ tướng trong triển khai thí điểm xây dựng 1km đường cao tốc, làm rõ giá thành, suất đầu tư đường cao tốc và sớm báo cáo Thủ tướng.
Đồng tình, tiếp thu các kiến nghị của Bộ GTVT, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ nhiệm vụ của Tổ công tác là đôn đốc các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc với tinh thần hết sức công khai, minh bạch, khách quan.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu chậm nhất là ngày 29/3, các vụ, cục thuộc VPCP phải báo cáo về 6 văn bản mà Bộ GTVT đã trình gần đây, nếu không làm được là có khuyết điểm và phải nhận lỗi với Bộ GTVT. Kết quả kiểm tra sẽ được Tổ công tác báo cáo đầy đủ, khách quan tại phiên họp Chính phủ sắp tới.
Hà Chính