UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý CTR đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm tra việc thực hiện Quy chế quản lý đô thị, việc thực hiện các Quy định, Hương ước, Quy ước của địa phương về bảo đảm an ninh trật tự, VSMT trên địa bàn; có biện pháp cụ thể ngăn cấm các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ đổ chất thải không đúng nơi quy định. Nghiêm cấm việc tự ý bán hàng, hình thành các chợ tạm, chợ cóc gây phát sinh chất thải khó quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền, vận động nếp sống văn minh, ý thức thực hiện VSMT, xóa bỏ thói quen vứt rác bừa bãi trên đường phố, đường làng và các nơi công cộng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vận động người dân sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật, thu gom các loại vỏ bao bì, chai lọ khi sử dụng để xử lý theo quy định. Sở Xây dựng chỉ đạo thanh tra xây dựng kiểm tra, phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về vận chuyển, đổ CTR, phế thải xây dựng không đúng quy định. Công an tỉnh giám sát tình hình hiện trạng về công tác bảo vệ môi trường ở địa phương và xử lý kịp thời các sai phạm…
Trong những năm qua, các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tạo ra một lượng lớn chất thải rắn, chỉ tính riêng khu vực đô thị hàng năm đã có hơn 100 nghìn tấn CTR phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có gần 80% là chất thải phát sinh từ các hộ, các nhà hàng, khu chợ và khu kinh doanh. Khoảng 18-19% là chất thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, khoảng 1% được coi là chất thải nguy hại nếu không được quản lý tốt sẽ tác động rất lớn và có thể coi là một hiểm họa đối với sức khỏe và môi trường.
Trần Tiến Duẩn