Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Đến nay, trên địa bàn thành phố có khoảng hai chục dự án FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với số vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Nhiều dự án triển khai nhanh, hiệu quả, song cũng có những dự án với diện tích đất lớn triển khai nhôi nhai, kéo dài. Có dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc giải phóng mặt bằng xong, thậm chí khởi công rồi… rơi vào tình trạng bất động.
Thực lực yếu
Không kể những dự án do vướng mắc, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhiều dự án giải phóng xong mặt bằng hoặc phần lớn mặt bằng, thậm chí san lấp xong nhưng không tiếp tục triển khai. Điển hình như dự án khu đô thị “Our city” của Công ty TNHH Hiệp Phong nằm trên đường Phạm Văn Đồng, trên đường ra Khu du lịch Đồ Sơn, một tuyến đường đẹp và nhiều tiềm năng của thành phố. Dự án có diện tích 43,46 ha; vốn đầu tư giai đoạn 1 là 85 triệu USD. Thời gian đầu mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư ráo riết hối thúc thành phố giải phóng mặt bằng nhanh để thi công dự án. Các cấp, ngành, địa phương thành phố vào cuộc, liên tục đôn đốc, vận động nhân dân bàn giao đất để có mặt bằng cho nhà đầu tư. Tháng 5-2008, dự án chính thức được khởi công, trống giong, cờ mở. Nhà đầu tư cam kết đến hết năm 2009 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 bao gồm 80.000 m2 sàn xây dựng, trong đó có 10.000 m2 căn hộ cao cấp, còn lại là các trung tâm thương mại, câu lạc bộ đa năng, biệt thự…, đến năm 2013 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án. Với các tiêu chí về khu đô thị do nhà đầu tư đưa ra, người dân thành phố, các quận Đồ Sơn, Dương Kinh hy vọng một khu đô thị đẹp, hiện đại ngang với Thẩm Quyến, Hồng Kông sẽ mọc lên tại đây. Nhưng, sau khi khởi công, dự án đó im lìm đến nay.
Cũng trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, dự án Trung tâm thương mại của Công ty TNHH Đông Thăng, vốn đầu tư 26 triệu USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 8- 2008. Chủ đầu tư cho biết, sau khi đi vào hoạt động, mức đầu tư sẽ lên đến 200 triệu USD (chủ yếu là giá trị hàng hóa). Dự án bao gồm 5 khu thương mại: khu bán vật liệu xây dựng; khu thiết bị nội thất; khu thiết bị văn phòng; khu máy móc, thiết bị và khu bán hàng tiêu dùng như quần áo thời trang và các hàng hóa khác…Dự kiến, trung tâm khởi công xây dựng trong quý 4- 2008 và đi vào hoạt động năm 2010. Song, sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư, dự án “bất động” luôn cho đến nay. Một số dự án khác tuy có triển khai nhưng với tốc độ “rùa bò” là Khu chung cư cao cấp Cozy Vyll của Công ty TNHH GNS Vina, diện tích 22.436,3 m2 đất, nằm trên đường Hồng Bàng, phường Sở Dầu. Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2006. Theo quy mô dự án, chủ đầu tư sẽ xây dựng một số tòa nhà văn phòng cho thuê (25-30 tầng), tòa nhà văn phòng đa năng và nhà chung cư nhiều tầng để bán, cho thuê. Dự án nằm ngay khu trung tâm thành phố, khu đất có giá trị “vàng”. Song 5 năm trôi qua, dự án vẫn trong giai đoạn xây dựng, chưa đưa vào khai thác.
Các nhà đầu tư này đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hay những thay đổi trong thiết kế, quy hoạch khiến họ gặp nhiều khó khăn. Nhưng rõ ràng, những dự án phải “đắp chiếu” hoặc triển khai với tốc độ “rùa bò” thực chất là do tiềm lực của nhà đầu tư yếu hoặc cố tình xin dự án để giữ đất rồi tìm cách bán lại cho nhà đầu tư khác.
Khẩn trương rà soát các dự án
Thành phố nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các dự án đầu tư, thu hồi đất các dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, mỗi khi thành phố “rục rịch” ra quyết định thu hồi đất, rút giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp lại vội vã triển khai nhỏ giọt. Bởi vậy, có những dự án triển khai gần 10 năm nhưng vẫn chưa ra hình hài. Việc thu hồi đất của các dự án triển khai nhỏ giọt khó khăn hơn so với những dự án không triển khai. Pháp luật quy định nếu sau 1 năm không triển khai dự án có thể bị thu hồi nên doanh nghiệp triển khai nhỏ giọt hoặc xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần 2, lần 3…để lấy cớ. Song, đối với các dự án không thực hiện đúng tiến độ, thành phố có thể xử phạt, từ rút giấy chứng nhận đầu tư đến thu hồi đất.
Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Lê Thanh Sơn cho biết, Sở đang tiến hành rà soát tất cả dự án bất động sản cả đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Đối với dự án của Công ty TNHH Đông Thăng, Sở có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét rút giấy chứng nhận đầu tư. Một số dự án như khu nhà ở Cozy Vill mấy năm trước bị chậm tiến độ, chủ đầu tư giải trình do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nay vừa xin điều chỉnh tiến độ từ đầu năm. Đối với dự án Công ty TNHH Hiệp Phong, tuy có ảnh hưởng do đường ô- tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đi qua, gần khu dự án có nút giao thông, chủ đầu tư phải điều chỉnh thiết kế bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, dù với lý do nào, khó chấp nhận một dự án sau khi khởi công mấy năm mà mặt bằng vẫn y nguyên. Sở Kế hoạch – Đầu tư có công văn đốc thúc và yêu cầu chủ đầu tư nếu sang tháng 9 năm nay, dự án không triển khai tiếp sẽ đề nghị UBND thành phố ra quyết định thu hồi. Những dự án bất động sản đang “bất động” gây nhiều bức xúc cho nhân dân, nhất là các dự án lấy đất nông nghiệp, thủy sản trong khi bà con không có đất sản xuất. Đây là vấn đề bức xúc, cần được cơ quan chức năng xem xét, đôn đốc các nhà đầu tư và kiên quyết xử lý đối với những dự án triển khai quá kéo dài, không hiệu quả.
Mai Hương