Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
|
Thay vì trồng những giống cây thông thường, người dân được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chọn giống cây chịu hạn, chịu úng, hay như chọn vật nuôi có thể thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Trồng rừng dựa vào cộng đồng gắn với cải thiện môi trường, trang bị cho người dân ở những vùng địa chất khó khăn tìm sinh kế khi thiên nhiên khắc nghiệt đang là hướng đi mới tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Cộng đồng trồng rừng ngập mặn
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Hợp Đồng Xuân Điển phấn khởi cho biết:
“Thay vì trồng cây bóng mát, dịp Tết trồng cây mùa xuân, người dân hai thôn Đông Tác, Quần Mục sẽ trồng thêm cây trang, cây bần vào diện tích bãi triều ngập mặn còn trống”. Trên cơ sở chia ô rừng cho các nhóm quản lý theo địa bàn dân cư, xã hỗ trợ các nhóm phát triển kinh tế gắn với rừng ngập mặn theo sở thích. Các nhóm có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, trông coi, bảo vệ rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản và hưởng lợi từ diện tích rừng được quản lý.
Từ năm 1998 trở về trước, khu vực bãi ven đê biển 2, thuộc hai thôn Đông Tác, Quần Mục không có rừng chắn sóng, khi có gió bão là sóng lớn vượt qua đê biển mặc sức ào vào nhà dân. Nhiều năm liền, thành phố và huyện tổ chức trồng rừng tại đây nhưng không thành vì hoặc là cây bị chết hoặc do người dân phá dần nuôi thủy sản, lấy đường cho tàu thuyền ra vào. Từ đầu năm 2007, xã triển khai mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng được đông đảo người dân tham gia. Một số hộ dân thuộc nhóm 1 (thôn Quần Mục 3) quản lý rừng từ ô số 1 đến ô số 9 được hỗ trợ chăn nuôi thỏ sinh sản. Trên diện tích rừng được giao khoán, các hộ dân tham gia nhóm quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn, nuôi ong và khai thác cá lát hoa, giống tôm rảo trong rừng ngập mặn. Thời gian không xa, Đại Hợp sẽ có những trang trại, gia trại chăn nuôi thỏ sinh sản, bò thịt kết hợp nuôi ong trù phú được bảo vệ bởi vành đai rừng ngập mặn phía ngoài đê biển. Người dân trong xã không phải phá rừng chắn sóng để nuôi trồng thủy sản như trước đây.
Từ hiệu quả mô hình trồng rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng ở Đại Hợp, hiện thành phố đang nhân rộng mô hình này tại nhiều vùng cây chắn sóng khác, bảo đảm hơn 5000 ha rừng ngập mặn trên 14 xã, phường đều được quản lý, bảo vệ bằng mô hình mới.
Canh tác bền vững, cải thiện sinh thái
Theo lời ông Phạm Văn Hà, Giám đốc Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư Hải Phòng: “Dựa vào cộng đồng là bước đi cơ bản và quan trọng nhất để xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc. Mô hình này không chỉ giúp người dân tìm sinh kế khi thiên nhiên khắc nghiệt, mà qua cách làm còn giúp cải thiện môi trường. Trung tâm bắt đầu triển khai thực hiện mô hình "canh tác bền vững trên đất dốc" trên 15 ha đồi núi thấp ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên). Ban đầu các hộ dân không có kiến thức về canh tác trên đất dốc, nên khi trồng không cho năng suất cao, đời sống rất khó khăn. Tại các mô hình này, Trung tâm hướng dẫn bà con trồng cây keo tai tượng trên đỉnh núi, phía thấp hơn trồng vải, nhãn, hồng và cây cải tạo đất để lấy ngắn, nuôi dài. Tại các mô hình, trung tâm còn hướng dẫn bà con sử dụng phân vi sinh cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái, lựa chọn các cây trồng chịu hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình làm thay đổi nếp nghĩ, phương thức canh tác của nông dân nơi đây, giúp họ tận dụng tối đa tiềm năng của đất, trồng cây theo quy hoạch. Đặc biệt, đến nay, mô hình này đang được nhân rộng trên 600 ha đất đồi núi thấp ở các huyện Thủy Nguyên, Cát Hải và quận Đồ Sơn. Điển hình cho việc phát triển mô hình vườn- rừng là huyện đảo Cát Hải. Hiện nay, huyện có 100 mô hình kinh tế vườn- đồi- rừng phát triển hiệu quả. Các xã vùng núi huyện Cát Hải như Xuân Đám, Hiền Hào, Phù Long... còn thực hiện việc giao đất, giao rừng cho dân để họ đầu tư phát triển trang trại tổng hợp gắn với bảo vệ, quản lý rừng. Nhiều hộ trồng và quản lý rừng thông sau 7-10 năm đã có thu nhập khá cao từ khai thác nhựa thông theo dự án hỗ trợ của Thụy Điển, Ôxtrâylia, Nhật Bản. Mô hình kinh tế vườn- rừng phát triển mạnh ở tất cả các xã trên địa bàn huyện. Những năm gần đây, các mô hình vườn- rừng bà con nông dân mạnh dạn đưa những cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao như dẻ lấy hạt, trám trắng, chè đắng... vào thay thế các cây lâm nghiệp truyền thống như keo tai tượng, bạch đàn trên đỉnh núi, phía dưới thấp là cây ăn quả và các cây dược liệu. Đầu xuân này, bà con tranh thủ những ngày thời tiết ấm áp đưa những cây lâm nghiệp, cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao vào trồng trên những trang trại vườn- rừng, tạo màu xanh cho những vùng đồi núi thấp khô cằn sỏi đá.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ven biển, khai thác tài nguyên đất đồi núi một cách hiệu quả, thành phố đang hướng đến việc nhân rộng các mô hình lâm nghiệp bền vững vừa giúp người dân phát triển kinh tế, vừa cải thiện sinh thái, ứng phó vơíi biến đổi khí hậu, tạo những rừng cây cho ngày mai.
Hoàng Yên