Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thành phố Hải Phòng là đô thị loại I cấp quốc gia, là thành phố cảng, trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng và là cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối các tuyến giao thông hàng hải quốc tế; nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Sau 04 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế thành phố được phát triển toàn diện, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng chuyển dịch theo đúng định hướng.
Tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố thường xuyên được sắp xếp, kiện toàn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ từng bước được nâng lên. Tổ chức chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng và lợi thế của thành phố. Trong mô hình quản lý hiện nay phát sinh một số vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý, đặc biệt là các vướng mắc phát sinh từ sự phối hợp chưa đồng bộ giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ.
Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW 24/01/2019 của Bộ Chính trị và quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Một trong những nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở thành phố chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn.
Để đáp ứng với nhiệm vụ quản lý nhà nước ở đô thị đòi hỏi phải có tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp với đặc thù đô thị. Tổ chức chính quyền đô thị phải đảm bảo cho các quyết định quản lý hành chính của chính quyền thành phố phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, đến người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng và chính xác, kịp thời, đồng bộ, hạn chế việc dừng lại ở các cấp trung gian.
Vì vậy, để từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền thành phố Hải Phòng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong giai đoạn tới, cần thiết xây dựng Nghị quyết để thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng, tạo điều kiện cho thành phố phát triển, khắc phục những khó khăn, vướng mắc của tổ chức chính quyền thành phố hiện nay.
Mục tiêu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng nhằm tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại thành phố Hải Phòng tinh gọn hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng được xây dựng trên các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc sau:
Bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với chính quyền địa phương của thành phố Hải Phòng; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng thực sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Hải Phòng phải bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, thông suốt, hiệu quả. Tổ chức chính quyền đô thị ở thành phố Hải Phòng phải gắn với một số cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự cần thiết đảm bảo sự vận hành của mô hình tổ chức chính quyền đô thị thành phố.
Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Hải Phòng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của thành phố. Việc ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hiện nay, mô hình tổ chức chính quyền đô thị đang được thực hiện tại thành phố Thành phố Hồ Chí Minh theo các Nghị quyết của Quốc hội; đối với thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng là các địa phương đang thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo các Nghị quyết của Quốc hội nhưng đã được cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng chính thức (đến nay Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 28/6/2024 tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, theo đó chấm dứt việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Đà Nẵng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) và Nghị quyết số 136/2024/QH15 có hiệu lực thi hành).
Do đó, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng mà không cần thí điểm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Hiển