Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Ninh thẳng thắn nhìn nhận, các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) được xây dựng và triển khai trong thời gian trước đây chưa ứng dụng các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 (như: AI, Big Data, Blockchain, IoT,…) nên chưa đáp ứng được các yêu cầu của Hải quan số, Hải quan thông minh và yêu cầu triển khai đầy đủ Chính phủ điện tử theo chỉ đạo chung của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Tài chính. Ngoài ra, chưa số hóa đầy đủ và khai thác triệt để nhu cầu trao đổi thông tin giữa Cơ chế một cửa quốc gia và các bên liên quan; phần lớn do dữ liệu nằm phân tán và quy hoạch riêng rẽ theo lĩnh vực thực hiện thủ tục hành chính ở từng bộ, ngành.
Mới đây, trong Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Cục Hải quan Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ hải quan một cách toàn diện, đồng bộ với chuyển đổi số của doanh nghiệp theo hướng tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan, công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Cùng với đó, các quy trình thủ tục hải quan đơn giản được số hóa tối đa; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan… với các trang thiết bị hiện đại nhằm giảm thiểu can thiệp của con người trong quá trình thông quan hàng hóa.
Về chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hải quan, Hải quan Quảng Ninh tích cực tham gia tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Theo đó, thủ tục hải quan được thực hiện giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, trên nhiều phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Đó là, 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (trừ các hồ sơ mật, hồ sơ của các cá nhân không thể tham gia hải quan số...); hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa.
Bên cạnh đó, về quản lý thuế, việc thu thập, phân tích, đánh giá, xây dựng, sử dụng, quản lý cơ sở dữ liệu tập trung thống nhất về mã số hàng hóa, thuế suất, trị giá hải quan, quản lý nợ thuế, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; tự động quản lý nghĩa vụ thuế, tài chính trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh. Đồng thời, tự động hóa việc áp dụng chính sách miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, thu thuế và không thu thuế đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật; quản lý thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo dựa trên cơ sở dữ liệu lớn, phục vụ cho công tác thống kê và công tác chỉ đạo điều hành thống nhất; cải cách trong xây dựng biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu dưới dạng điện tử hóa, số hóa đảm bảo minh bạch.
Thái Bình