Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cụ thể, Hải quan Trung Quốc kiểm tra đối với 3 mã vùng trồng, gồm: VN-BGOR 001 diện tích 103 ha tại xã Hồng Giang; VN-BGOR 002 diện tích 13 ha tại xã Giáp Sơn; VN-BGOR 003 diện tích 54 ha tại xã Tân Sơn và cơ sở đóng gói An Phát (xã Hồng Giang).
Qua kiểm tra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ghi nhận các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị chu đáo các nội dung theo yêu cầu kiểm tra của phía Trung Quốc,
Phía bạn cũng đánh giá các yếu tố kỹ thuật liên quan đến phòng, chống COVID-19, hệ thống quản lý, ghi nhật ký tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói được thực hiện nghiêm, đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hiện toàn tỉnh Bắc Giang có 149 mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Tân Yên, Lục Nam và Yên Thế với tổng diện tích hơn 15.000 ha (chiếm 56,4% tổng diện tích vải thiều). Toàn tỉnh có 300 cơ sở đóng gói đáp ứng quy định xuất khẩu sang thị trường này, bảo đảm cung cấp sản lượng xuất khẩu khoảng 95.000 tấn.
Việc Tổng cục Hải Quan Trung Quốc kiểm tra, đánh giá các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ vải thiều, bảo đảm đầu ra cho người dân.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tính đến hết ngày 20/6, toàn tỉnh đã thu hoạch và tiêu thụ được hơn 47.300 tấn vải thiều. Trong đó có hơn 40.000 tấn vải sớm và hơn 7.300 tấn vải thiều chính vụ.
Lượng vải thiều xuất khẩu đạt hơn 23.500 tấn, chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc (hơn 23.200 tấn). Số còn lại được xuất khẩu sang Campuchia, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và thị trường châu Âu.
Hiện mỗi ngày có hơn 80 xe chở vải thiều Bắc Giang được thông quan theo "luồng xanh" qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) sang tiêu thụ tại Trung Quốc.
Dù phải hạn chế xuất nhập khẩu hàng hóa để phòng, chống dịch COVID-19 nhưng cơ quan chức năng nước bạn cam kết không để xe vải thiều nào từ Việt Nam sang Trung Quốc phải chờ quá 3 ngày tại cửa khẩu.
Hiện vải thiều tươi Bắc Giang xuất khẩu sang Trung Quốc mới chỉ đi qua cửa khâu Tân Thanh (Lạng Sơn). Trong khi đó vải thiều khô và nông sản qua chế biến được xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai do việc xuất khẩu hoa quả tươi qua Lào Cai còn khó khăn.
(nguồn: Báo Bắc Giang)