Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các doanh nghiệp may mặc đang gặp khó với thủ tục nhập khẩu máy in - Ảnh minh họa |
Theo ông Tuấn, Thông tư 16 không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp in mà còn đang gây phiền hà và tốn kém thời gian, sức lực, chi phí cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác như dệt may, sành sứ thủy tinh, da giày, chế biến gỗ… những nơi có sử dụng máy in cho quá trình sản xuất hàng hóa.
Việc quy định cấp phép nhập khẩu máy móc, thiết bị in là không cần thiết mà trong các bộ Luật Xuất bản trước đây cũng không quy định. Việc quy định cấp phép nhập khẩu máy móc thiết bị thực tế không mang lại lợi ích cho quản lý nhà nước, bởi những tiêu cực, nếu có, trong in ấn không phải do máy móc thiết bị nhập khẩu. Trong khi ngành in chỉ là một ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các ngành công nghiệp khác, kể cả phục vụ cho xuất bản phẩm.
Ông Tuấn kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ xem xét bỏ quy định các cơ sở in hợp tác gia công phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân có sản phẩm đặt in chấp thuận bằng văn bản, doanh nghiệp không được hợp tác với các cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm do mình đã nhận hợp tác.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thực hiện theo tinh thần Nghị định 35 của Chính phủ, TP.HCM đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như sẽ có văn bản kiến nghị gửi các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Chủ doanh nghiệp may phải có chứng chỉ ngành… in
Cũng liên quan đến các quy định quản lý hoạt động in, tại một hội thảo mới đây, các doanh nghiệp ngành dệt may đã phản ánh nhiều vương mắc nếu muốn nhập khẩu thiết bị in để in lên sản phẩm dệt may của họ.
Theo Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in và thông tư số 03/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thi hành Nghị định 60, doanh nghiệp muốn nhập khẩu máy in phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Xuất bản, in và phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều kiện để có giấy phép này là doanh nghiệp dệt may phải bổ sung ngành nghề trên giấy phép kinh doanh và người đứng đầu doanh nghiệp phải có chứng chỉ về ngành in từ cao đẳng trở lên hoặc được cấp giấy chứng nhận đã qua đào tạo bồi dưỡng hoạt động in. Thời gian đào tạo để có chứng chỉ ngành in là 3 tháng.
Tại cuộc gặp Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia để giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xuất nhập khẩu của ngành dệt may tại TP.HCM ngày 19/7, phản ứng với thủ tục hành chính nói trên, ông Thanh Phong từ Công ty đầu tư phát triển quốc tế Thắng Lợi cho rằng, in chỉ là một khâu nhỏ trong cả quy trình sản xuất hàng dệt may, việc bắt buộc một chủ doanh nghiệp, một chủ tịch HĐQT hay một tổng giám đốc phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in thì doanh nghiệp mới được phép nhập máy in là quá rắc rối.
Ông Phong cho rằng nếu nhập loại máy nào cũng đòi hỏi như vậy thì một người đứng đầu doanh nghiệp phải có bao nhiêu bằng cấp cho vừa, trong khi họ phải tập trung sản xuất, chăm lo cho người lao động trong thời buổi cạnh tranh rất gay gắt. Chưa kể đến chuyện phải đợi gộp đủ số người đăng ký học thì mới mở được lớp đào tạo.
Về phía Hải quan, ông Đặng Thái Thiện, Phó Phòng Giám sát quản lý Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng Nghị định 60 và Thông tư 16 gây khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực xuất bản phẩm.
Những văn bản này quy định về giấy phép khi nhập khẩu máy in nhằm mục tiêu quản lý việc in ấn các xuất bản phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập máy in lên sản phẩm nhựa, gạch men, in trên sản phẩm dệt may cũng bị ảnh hưởng vì không có giấy phép in ấn, xuất bản...
Thanh Hằng