Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trước đây các đường hầm qua núi ở Việt Nam chủ yếu được thi công bằng phương pháp mỏ, có nghĩa là đường hầm được đào hoặc phá nổ, sau đó dùng các loại vật liệu để chống đỡ rồi xây dựng kết cấu chống đỡ bằng bê tông cốt thép hoặc đá xây. Người ta quan niệm kết cấu chống đỡ của vỏ hầm phải chịu được toàn bộ chiều dày lớp đất đá phía trên của hầm.
Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân là hầm đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ đào hầm mới. Đó là công nghệ NATM do các nhà báo học và kỹ sư người Áo phát minh. Theo ông Nguyễn Trung Sỹ, Phó TGĐ Ban Quản lý dự án 85 thuộc Bộ GTVT, nguyên lý cơ bản của phương pháp này đó là duy trì độ vững chắc của khối đá, tránh liên kết lỏng lẻo bất lợi khối đất đá xung quanh; sử dụng bêtông phun, neo đá và kết hợp một số phương pháp khác để duy trì sự liên kết của vòm. Từng loại đất đá khác nhau lại áp dụng biện pháp chống đỡ khác nhau trên cơ sở quan trắc kỹ lưỡng sự chuyển vị của lớp đất đá vỏ hầm trong quá trình xây dựng. Cũng theo ông Sỹ, hầm xây dựng theo công nghệ NATM được làm theo dạng hình tròn nhằm tăng khả năng chịu lực, tránh tập trung ứng suất tại góc. Lớp lót phải mỏng, mềm dẻo, trụ đỡ ban đầu hết sức linh hoạt để giảm thiểu mômen uốn và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình bố trí lại ứng suất của vòm.
Được biết, ngay từ khi bắt đầu dự án, Bộ GTVT Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến công nghệ NATM này và đã xây dựng hẳn một chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ đối với dự án. Theo chương trình này, các cơ quan tư vấn nước ngoài Nippon Koei và Luis Berger cùng với nhà thầu Hazama đã thực hiện các hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ NATM cho đội ngũ kỹ sư, công nhân, tư vấn Việt Nam theo từng giai đoạn của Dự án.
Theo đánh giá của ông Tống Trần Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ GTVT, sau khi Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hoàn thành, ngành GTVT Việt Nam đã tiếp thu thành công các công nghệ trong phương pháp đào hầm NATM như công tác khảo sát, phân loại đất đá, quan trắc sự chuyển vị. Các kỹ sư Việt Nam cũng đã làm chủ phần mềm máy tính và nắm bắt quy trình quản lý một dự án hầm lớn. Ông Tùng khẳng định: “Việt Nam đã có thể làm được tất cả các công đoạn đào hầm theo phương pháp NATM. Bằng chứng là đã làm được hầm Đèo Ngang theo phương pháp này”. Cũng theo ông Tùng, sự thành công trong chuyển giao công nghệ ở dự án này còn là việc sau khi dự án hoàn thành, các kỹ sư Việt Nam đã cho ra đời được một số dự thảo ban đầu về tiêu chuẩn khảo sát, thiết kế, thi công... hầm theo phương pháp NATM.
Với sự thành công trong việc chuyển giao công nghệ ở dự án Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân hy vọng rằng đội ngũ những người thợ cầu đường Việt Nam sẽ tiếp thu được nhiều công nghệ mới hơn nữa sau khi một số dự án quy mô khác hoàn thành như cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), cầu Cần Thơ (TP Cần Thơ)...
(Bộ Giao thông Vận tải)