• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún

(Chinhphu.vn) - Các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, gây rủi ro về công tác cán bộ.

13/02/2023 21:33
Hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao, biểu dương các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía bắc, dù còn điều kiện còn rất khó khăn, đã nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh: VGP/Hải Minh

Đây là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang quán triệt tại Hội nghị trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, diễn ra chiều ngày 13/2.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh đã tập trung báo cáo với Phó Thủ tướng những vướng mắc về thể chế, những khó khăn nội tại của các tỉnh trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại khu vực.

Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp giải đáp những phản ánh, kiến nghị của các địa phương đồng thời cập nhật tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại thuộc thẩm quyền.

Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ KH&ĐT, về xây dựng hành lang pháp lý, để thực hiện các chương trình, các địa phương trong vùng phải ban hành văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền đối với 11 nội dung, trong đó có 6 nội dung bắt buộc, 5 nội dung các địa phương ban hành tùy theo tình hình thực tế.

Tuy nhiên, đến nay, hệ thống khung chính sách vẫn chưa hoàn thiện, còn tâm lý e ngại rủi ro và đợi chờ hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên nên công tác giải ngân vẫn còn hạn chế.

Một số địa phương phản ánh rằng đã có văn bản hướng dẫn của Trung ương nhưng có nội dung chồng chéo, có nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, thậm chí có nội dung chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa phù hợp với thực tiễn địa phương và các quy định hiện hành.

Hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Hải Minh

Bên cạnh đó, các dự án đầu tư còn nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi đó năng lực của đội ngũ cán bộ ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các tỉnh trong vùng có tổng cộng 111 kiến nghị, đề xuất thuộc trách nhiệm trả lời của 13 bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có việc sớm hoàn tất ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình, dự án; sớm sửa đổi những nội dung chồng chéo, chưa rõ trong các văn bản hướng dẫn đã ban hành, bảo đảm tính khả thi.

Tỉnh Lào Cai, kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ giao cho UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt danh mục định hướng như hướng dẫn xây dựng dự án (tương tự như hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư số 02/2022/TT-UBDT). Trên cơ sở danh mục định hướng, thì phân cấp cho cấp huyện lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết, thẩm định dự án, phê duyệt dự án và triển khai thực hiện dự án bảo đảm tính thời vụ, giảm thủ tục hành chính và tính chủ động cho cơ sở.

Tỉnh Phú Thọ kiến nghị giao cho UBND cấp tỉnh tự phê duyệt đối với danh mục loại dự án áp dụng cơ chế đặc thù có quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ, kỹ thuật không phức tạp do các xã quản lý trên cơ sở nội dung đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh Sơn La đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu cho Chính phủ xem xét, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP nội dung quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cũng liên quan đến Nghị định số 27, tỉnh Điện Biên kiến nghị sửa quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị định thành "Không quy định tổng mức đầu tư hoặc quy định mức thấp hơn" hoặc quy định rõ "Nếu UBND cấp xã không đủ năng lực, điều kiện quản lý thì UBND cấp huyện giao cơ quan trực thuộc cấp huyện làm chủ đầu tư".

Một số địa phương kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép chuyển vốn sự nghiệp của địa phương chưa giải ngân năm 2022 sang năm 2023; thông báo mức vốn sự nghiệp hoặc giao dự toán thực hiện các chương trình theo giai đoạn để các địa phương chủ động hơn trong tổ chức thực hiện…

Hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún - Ảnh 4.

Lãnh đạo các tỉnh tập trung báo cáo với Phó Thủ tướng những vướng mắc về thể chế, những khó khăn nội tại của các tỉnh trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại khu vực - Ảnh: VGP/Hải Minh

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ với những khó khăn, thách thức rất lớn của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía bắc, đặc biệt đây là địa bàn có địa hình đồi núi chia cắt phức tạp; tỉ lệ hộ nghèo bình quân cao hơn tỉ lệ bình quân của cả nước; thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương…

Phó Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao và 14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía bắc được phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển là 44.185,172 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm 44,18% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Phó Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các tỉnh trong vùng, dù còn điều kiện còn rất khó khăn, đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đạt tỉ lệ giải ngân bình quân trên 40,54%, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (37,73%) và của 5 tỉnh Tây Nguyên (34,77%) tính đến ngày 31/12/2022.

Ghi nhận ý kiến của các địa phương trong vùng, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành Trung ương tổng hợp đầy đủ ý kiến từ địa phương sau 3 hội nghị với các vùng trên cả nước để chuẩn bị cho hội nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐTB&XH, Bộ NN&PTNT – 3 cơ quan chủ trì 3 chương trình mục tiêu quốc gia chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan để giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Phó Thủ tướng yêu cầu dứt khoát các cơ quan Trung ương phải khẩn trương hoàn tất việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại trong quý I/2023; tiếp tục rà soát lại các văn bản đã hanh hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các địa phương.

Những văn bản hướng dẫn sắp ban hành cần cố gắng cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện do các dự án, tiểu dự án của các chương trình được phân cấp mạnh mẽ xuống cả cấp xã.

Phó Thủ tướng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải nghiên cứu kiến nghị về tăng cường tính tự chủ của địa phương, nhất là đối với việc quản lý, sử dụng đất rừng, đặc biệt tại các địa phương có diện tích rừng lớn, trên nguyên tắc vừa phải giữ được rừng vừa tạo sinh kế cho bà con.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể đối với việc chuyển nguồn vốn từ năm trước sang năm sau, giữa các chương trình, hay trong nội bộ chương trình.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn được giao theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc cụ thể vì cùng một mặt bằng pháp lý vẫn có những địa phương đạt tỉ lệ giải ngân rất cao.

Theo Phó Thủ tướng, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư, tốn thời gian thực hiện quy trình thủ tục, rủi ro về công tác cán bộ.

Do các chương trình mục tiêu quốc gia được phân cấp mạnh, Phó Thủ tướng đề nghị UBND cấp tỉnh hết sức chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ thực thi, có thể đào tạo, tập huấn thông qua thông qua hình thức cầm tay chỉ những việc rất cụ thể; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua những chương trình riêng hay lồng ghép với các chương trình của ủy ban kiểm tra, thanh tra các cấp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hạn chế thấp nhất rủi ro, sai sót.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo nhắc nhở chi tiết từng việc của từng bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành với thời gian cụ thể./.

Hải Minh