Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thủ tướng tới thăm Tập đoàn AstraZeneca, doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dược phẩm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Giới thiệu với Thủ tướng, ông Leif Johansson, Chủ tịch AstraZeneca bày tỏ tự hào được đóng góp vào quan hệ song phương giữa hai nước qua việc hợp tác với các đối tác Việt Nam. Sau 25 năm hoạt động ở Việt Nam, Tập đoàn đã có nhiều thành công, và do đó, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, AstraZeneca công bố đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD) vào Việt Nam trong giai đoạn 2020-2024. Khoản đầu tư này nhằm củng cố cam kết lâu dài của AstraZeneca với Chính phủ Việt Nam trong việc kêu gọi các đối tác y tế hỗ trợ nâng cao chất lượng sức khoẻ cho người dân Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn AstraZeneca đầu tư làm ăn thành công tại Việt Nam và công bố khoản đầu tư 220 triệu USD thời gian tới, góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng cho rằng, Tập đoàn làm ăn hiệu quả vừa mang lại lợi ích cho Tập đoàn, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo mọi điều kiện cho AstraZeneca nói riêng, doanh nghiệp Thụy Điển khác nói chung đầu tư lâu dài vào Việt Nam, theo hướng phát triển bền vững vì cộng đồng.
Thủ tướng tham quan phòng thí nghiệm của Tập đoàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
“Các bạn là bông hoa đóng góp vào vườn hoa hữu nghị hai nước”, Thủ tướng nói và cho biết, Việt Nam đang triển khai chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã đạt 75 tuổi, thuộc hàng cao nhất châu Á. Việt Nam cần có sự chung tay hợp tác quốc tế, trong đó có AstraZeneca, tiếp tục trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thủ tướng cho rằng, nếu coi quan hệ Việt Nam-Thụy Điển là “chuỗi ngọc trai” thì AstraZeneca là hạt ngọc giúp cho “chuỗi ngọc trai” lấp lánh hơn.
Bộ trưởng Kinh doanh, Công nghiệp và Đổi mới Thụy Điển Ibrahim Baylan cho biết, dược phẩm là lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển lĩnh vực này. Do đó, việc hợp tác giữa AstraZeneca sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dược hai nước. AstraZeneca nói riêng và nhiều doanh nghiệp Thụy Điển khác nói chung muốn mở rộng hoạt động ra toàn cầu và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Thụy Điển.
Thủ tướng chứng kiến Lễ công bố đầu tư của Tập đoàn AstraZeneca vào Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
AstraZeneca đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam từ năm 1994 khi Văn phòng đại diện của công ty chính thức thành lập tại Việt Nam với tên Astra. Sau đó, Astra hợp tác thực hiện nghiên cứu lâm sàng toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam năm 1998. Sự kiện công bố hợp nhất Astra và Zeneca toàn cầu năm 1999 đã mở ra một chương mới cho công ty tại Việt Nam dưới tên chung.
Đồng hành với Chiến lược Quốc gia của Chính phủ về Phòng chống bệnh không lây nhiễm (giai đoạn 2015 –2025) và Chương trình sức khỏe Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, AstraZeneca đã tập trung đẩy mạnh đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận với giải pháp y tế tiên tiến trong lĩnh vực điều trị bệnh ung thư, tim mạch, thận – chuyển hoá và hô hấp. Điển hình là khoản đầu tư 20 triệu USD vào mạng lưới 132 đơn vị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng rộng khắp cả nước cho giai đoạn 2017-2019.
AstraZeneca cũng đã hợp tác với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trong Chương trình “Vì Lá phổi Khoẻ” vào năm 2017, công bố khoản đầu tư trị giá 1 triệu USD nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú cho các bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở Việt Nam.
Đức Tuân