Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tin từ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, chiều tối ngày 13/7, vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây của khu vực giữa Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Lúc 16h ngày 13/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,4 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.
Lúc 13h ngày 14/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49km/h), giật cấp 8.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển giữa Tây và Tây Tây Bắc, khoảng 10 - 15km/giờ. Khoảng 22 - 23 giờ ngày 15/7, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, sau đó suy yếu thành vùng thấp (dưới cấp 6) trên khu vực Trung Lào.
VATM cho biết, khoảng 22-23 giờ ngày 15/7, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Trị, sau đó suy yếu thành vùng thấp (dưới cấp 6) trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các phân khu 1, 4, 5 thuộc vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) và phân khu 3, 4 thuộc vùng thông báo bay Hà Nội (FIR Hà Nội) có mây giông, mưa kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như nhiễu động vừa đến mạnh và đóng băng máy bay.
Đặc biệt, trưa chiều ngày 15/7, sân bay Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai có mưa rào và giông mạnh, tầm nhìn dao động từ 2.000-4.000m. Sân bay Đà Nẵng, từ khoảng 13 giờ ngày 15/7 đến 7 giờ ngày 16/7, tầm nhìn có lúc giảm xuống 1.500m trong mưa rào và giông mạnh, gió giật mạnh.
Nhằm phòng tránh, giảm thiểu những thiệt hại do áp thấp nhiệt đới gây ra, Trung tâm Khí tượng hàng không (VATM) đã chỉ đạo, tổ chức các đơn vị trực thuộc theo dõi liên tục diễn biến, hoạt động của áp thấp nhiệt đới, khai thác, nghiên cứu nhiều loại số liệu, dữ liệu khí tượng như ảnh mây vệ tinh, radar thời tiết trao đổi thời tiết với các cơ quan khí tượng Nhật Bản, Hongkong, Philippines, Singapore… từ đó quyết định nội dung bản tin dự báo, cảnh báo ảnh hưởng đối với hoạt động hàng không, các trang thiết bị hàng không tại các sân bay, cung cấp cho các cơ sở điều hành bay, hãng hàng không sớm có kế hoạch khai an toàn, chủ động phòng tránh, giảm thiểu những tác động mà áp thấp nhiệt đới có thể gây ra.
Theo Cơ quan khí quyển và đại dương Hoa Kỳ (NOAA), tháng 7 hiện tượng ENSO (bao gồm El Nino, La Nina) đang ở pha trung tính. Dự báo từ tháng 7-9/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%. Do đó, hiện tượng mưa bão từ nay tới cuối năm sẽ diễn biến khá phức tạp.
Vì vậy, VATM đề nghị các cơ quan đơn vị cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, tiếp nhận và khai thác hiệu quả các bản tin dự báo thời tiết mà các cơ quan khí tượng cung cấp, từ đó giảm thiểu thiệt hại mà bão/áp thấp nhiệt đới gây ra, bảo đảm hoạt động bay an toàn, điều hoà, hiệu quả.
Các thông tin khí tượng hàng không luôn được cung cấp 24/24h qua website cơ sở dữ liệu hàng không hoặc qua điện thoại kíp trực dự báo tại các Trung tâm Khí tượng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Trung tâm Cảnh báo thời tiết-Trung tâm Khí tượng hàng không thuộc VATM.
Ngoài ra, ngoài khơi Philippines cũng đang có một khu vực vùng thấp có khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới/bão và dự báo đi vào biển Đông trong khoảng 4-5 ngày tới, VATM đề nghị các cơ quan, đơn vị cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết do trung tâm khí tượng hàng không phát hành để chủ động xây dựng kế hoạch cũng như công tác phòng tránh nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại do bão/áp thấp nhiệt đới gây ra.
PT