Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Báo cáo cho thấy, các giải pháp triển khai Nghị quyết 35 tiếp tục được triển khai đồng bộ trên các nhóm nhiệm vụ trong nghị quyết: Cải cách hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN.
Sẻ chia trách nhiệm với DN
Trong quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách quan trọng như Nghị quyết 42/NQ- CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó Nhà nước chia sẻ trách nhiệm với DN trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị với DN nhằm khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng DN.
Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; về mức thuế bảo vệ mội trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020.
Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6/4/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Đồng thời, trong quý II, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số văn bản quan trọng nhằm đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho DN bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19, như Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Tính đến tháng 5/2020, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, DN là hơn 56.000 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 4 là gần 17.000. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 25,62%. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.
Về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, trong quý II các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tính đến thời điểm báo cáo, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV đã cơ bản hoàn thiện.
Ở cấp địa phương, trong quý II, có thêm 6 nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản hướng dẫn hỗ trợ DNNVV đã được địa phương ban hành, nâng tổng số lên 206; 10 địa phương đang gửi xin ý kiến góp ý đề án hỗ trợ DNNVV. Một số tỉnh, thành phố đã rất chủ động và tích cực xây dựng và thực hiện các chính sách của địa phương về thúc đẩy khởi nghiệp và hỗ trợ DNNVV trên địa bàn như Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Thực hiện Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 18/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo, trong quý II, một số bộ, ngành, địa phương đã chủ động ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị.
Điển hình như Bộ GD&ĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” năm 2020; lựa chọn 3 cơ sở giáo dục đại học để triển khai thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các đại học…
Bộ KH&CN tiếp tục triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020”; triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844).
Miễn giảm lãi suất cho dư nợ hơn 1,14 triệu tỷ đồng
Trong quý II, NHNN đã chỉ đạo áp dụng mức giảm phí dịch vụ nhiều nhất từ trước đến nay, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm chi phí, hạ lãi suất, đồng thời, gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN; thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm)…
Đến ngày 25/5, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 223.000 khách hàng với dư nợ hơn 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326.000 khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt trên 767.000 tỷ đồng cho hơn 196.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa DN Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung, như Trung Quốc và Ấn Độ…
Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao hiệu quả thực thi và đẩy mạnh việc tạo lập, khai thác, quản trị tài sản trí tuệ của DN; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hiện nay, Bộ đang triển khai các thủ tục để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về giảm chi phí kinh doanh cho DN, ngoài các giải pháp về thuế, tiền thuê đất… Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN gồm tạm thời không xử lý các đơn vị vận tải hành khách không đảm bảo số chuyến khai thác tuyến (tối thiểu 70% số chuyến theo biểu đồ chạy xe); rà soát điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Đánh giá chung, theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, hầu hết các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 35 đã hoàn thành. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai Nghị quyết vẫn còn hạn chế, tồn tại. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, tỉ lệ DN đóng cửa, giải thể tăng cao, dẫn đến một số chỉ tiêu của Nghị quyết số 35 khả năng cao không thể đạt được, như chỉ tiêu có 1 triệu DN đang hoạt động vào năm 2020.
Đẩy mạnh phát triển nền tảng thương mại điện tử
Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành và địa phương và kiến nghị của cộng đồng DN, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao về tháo gỡ khó khăn cho DN.
Khẩn trương rà soát và điều chỉnh đơn giản, minh bạch các quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ DN về thuế, tín dụng, lao động... thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh tiến độ thanh toán các khoản nợ công cho các DN đúng quy định.
Nghiêm túc thực hiện thanh, kiểm tra DN theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020.
Một số giải pháp cụ thể, đó là đẩy mạnh hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường có thể sớm hết dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực thị trường hiện đang có các thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam.
Xem xét có chính sách bảo lãnh tín dụng cho khoản vay mới của các khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và sử dụng nhiều lao động như DN trong các ngành du lịch, dệt may, da giày, hàng không,... và các khách hàng là DNNVV.
Khẩn trương hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập DN năm 2020. Hướng dẫn thực hiện chính sách cấp bù lãi suất có thời hạn cho các DNNVV theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Nghiên cứu đề xuất mở rộng đối tượng cho vay của Quỹ Phát triển DNNVV và bổ sung kinh phí cho Quỹ để hỗ trợ DNNVV ứng phó với dịch COVID-19.
Thực hiện chiến lược truyền thông về Việt Nam nhằm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Khuyến khích xây dựng các nền tảng trực tuyến giúp các nhà mua lớn và DN Việt Nam xúc tiến trao đổi, đàm phán đơn hàng. Các bộ, ngành đẩy mạnh xúc tiến giới thiệu các nhà mua lớn tham gia vào các nền tảng trực tuyến xúc tiến thương mại, kết nối DN; hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử; e-logistics, các ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, fintech, mobile money,...
Về giải quyết kiến nghị của DN trong quý II, theo đánh giá tại báo cáo của VCCI, kết quả trả lời kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời, sát với yêu cầu của Hiệp hội DN, DN. Tính đến hết tháng 5, có 179 kiến nghị của DN, hiệp hội DN gửi 15 bộ, ngành, địa phương; đã có 124 kiến nghị được trả lời. Lượng kiến nghị tồn đọng chưa trả lời tính đến hết tháng 5 là 55 kiến nghị (chiếm 31%). Nội dung cơ bản của các kiến nghị chủ yếu đề xuất các giải pháp, chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nộp thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin, y tế… |
Hà Chính