Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tuyên bố chung của EU ngày 7/3 cho biết: Liên minh xác định luôn sát cánh bên cạnh phụ nữ châu Âu và trên toàn thế giới ngay từ những ngày đầu thành lập.
Cách đây 60 năm, sự bình đẳng nam nữ được ghi trong Hiệp ước Rome như một trong những giá trị cơ bản của EU. Đó là cam kết cổ vũ cho nguyên tắc “công việc như nhau, tiền lương ngang nhau”.
Theo thời gian, “lục địa già” đã đạt nhiều tiến bộ rõ rệt.
Đến nay, EU đang chứng kiến số lượng lao động nữ gia tăng, nhiều phụ nữ có bằng đại học hơn, nhiều phụ nữ tham gia vào chính trị hơn hoặc giữ những vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp châu Âu.
Tại Ủy ban châu Âu, phụ nữ hiện chiếm tới 55% tổng số nhân sự. Tỉ lệ phụ nữ có việc làm trong Liên minh đạt mức kỷ lục là 65,5% vào năm 2016, nhưng vẫn còn kém xa mức 77% của nam giới.
EU cũng cho rằng phụ nữ vẫn luôn xuất hiện trong nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột, trong các cuộc di cư hay tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nghèo đói và biến đổi khí hậu. Thế giới đang phải thừa nhận sự gia tăng chóng mặt về số lượng phụ nữ là nạn nhân của nạn buôn bán người vào EU trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Sự bất bình đẳng giới vẫn xuất hiện ở nơi công cộng cũng như trên mạng Internet. Các hành vi vi phạm quyền của phụ nữ vẫn còn gia tăng, nhất là là trong các khu vực đang chìm trong các cuộc xung đột trên thế giới. Vì vậy, EU tiếp tục đối thoại với các nhóm bảo vệ phụ nữ trên toàn thế giới, bao gồm cả những tình huống khó khăn như đối với các trường hợp ở Afghanistan hay Syria.
Trong một diễn biến liên quan đến bảo vệ nữ quyền, tại Mỹ, cũng nhân ngày 8/3, một tổ chức đã phát động chiến dịch “Ngày không phụ nữ”, khuyến khích phụ nữ nghỉ làm, không tham gia các sinh hoạt xã hội, không mua sắm trong ngày 8/3 năm nay để biểu thị sức mạnh kinh tế và tác động của nữ giới trong xã hội nước này.
Những người tổ chức nói “Ngày không phụ nữ” diễn ra ngay trong dịp Ngày Quốc tế phụ nữ nhằm tỏ tình đoàn kết với các phụ nữ trên khắp thế giới, tô đậm sức ảnh hưởng của nữ giới đối với hệ thống kinh tế xã hội, và cho thấy những việc làm có lương hay không lương của phụ nữ góp phần vận hành các ‘guồng máy’ từ trong nhà ra xã hội như thế nào.
Họ cũng nhấn mạnh nói nữ giới làm tất cả mọi việc ngang bằng hoặc có thể là hơn cả nam giới, nhưng lại bị đối xử bất công, được trả lương thấp hơn các nam đồng nghiệp, có ít cơ may tiến thân trong xã hội so với nam giới cũng như ít cơ hội chen chân vào chính trường hay giữ vị trí lãnh đạo so với các đấng mày râu.
Theo ban vận động, phụ nữ đóng góp rất nhiều cho gia đình, cho xã hội, nhưng chưa được nhận những quyền lợi tương xứng, thỏa đáng.
Tại Ấn Độ, chào mừng Ngày Quốc tế phụ nữ, Hãng hàng không Air India đưa vào hoạt động chuyến bay đầu tiên với toàn bộ phi hành đoàn là nữ.
Đây cũng là chuyến bay dài nhất từ trước đến nay của Air India do nữ giới điều khiển và hỗ trợ, khởi hành từ sân bay Delhi đến San Francisco (Mỹ) và sau đó quay về Delhi.
Đại diện Air India cho biết họ đang lên kế hoạch thành lập nhiều phi hành đoàn gồm toàn nữ trong các chuyến bay nội địa và quốc tế như một cách để kỷ niệm ngày 8-3, đồng thời để chứng minh rằng phụ nữ và nam giới bình đẳng với nhau khi làm việc.
Trong ngày 8/3, phụ nữ tại Italy được miễn phí tiền vé vào tham quan các bảo tàng tại quốc gia này. Ngoài ra, hàng loạt buổi trò chuyện, triển lãm cũng được tổ chức tại nhiều địa điểm trên toàn quốc nhằm giới thiệu về những người phụ nữ gắn liền với nền văn hoá, lịch sử, nghệ thuật của nước này.
Các hoạt động trên do Bộ Di sản văn hóa Italy tổ chức, khuyến khích tất cả các đối tượng phụ nữ từ người lao động bình dân đến trí thức tham gia nhằm ngợi ca những đóng góp của họ trong cuộc sống.
Tương tự các quốc gia khác, Canada cũng tổ chức nhiều hoạt động đề cao nữ quyền, đấu tranh chống lại bất bình đẳng trong xã hội.
Tại Toronto, phụ nữ được mời tham dự buổi trò chuyện về cách thức tham gia các nhóm hoạt động xã hội nhằm lan tỏa giá trị sống tích cực.
Ngoài ra còn có các buổi biểu diễn nghệ thuật, ca nhạc, hài kịch, chiếu phim và triển lãm xoay quanh chủ đề phụ nữ.
Thanh Phương