Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cuộc họp được triệu tập theo yêu cầu của 8 quốc gia thành viên HĐBA và chủ yếu mang tính hình thức vì không có kế hoạch bỏ phiếu bất kỳ nghị quyết nào.
Phát biểu tại cuộc họp, Điều phối viên của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nikolay Mladenov cảnh báo quyết định của Mỹ có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực giữa người Palestine và những người phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem.
Còn Đại sứ Anh tại LHQ ông Matthew Rycroft nói Anh không đồng ý với quyết định của ông Trump, đồng thời hối thúc Tổng thống Mỹ đưa ra được những đề xuất chi tiết về một hiệp ước hòa bình Israel - Palestine. Đại sứ Ai Cập tại LHQ cho rằng quyết định của Mỹ sẽ gây tác động tiêu cực đối với tiến trình hòa bình.
Về phía Mỹ, Đại sứ Nikki Haley đã bào chữa cho quyết định của ông Trump là vẫn duy trì cam kết đối với tiến trình hòa bình và giải pháp hai nhà nước nếu như người Israel và người Palestine lựa chọn điều này. Bà Haley cho rằng với việc đảo ngược chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Trump chỉ đơn giản là công nhận thực tế vì Chính phủ và Quốc hội của Israel được đặt tại Jerusalem.
Cuộc họp của HĐBA không đưa ra tuyên bố chung. Tuy nhiên, các đại sứ của 5 quốc gia châu Âu là Anh, Pháp, Đức, Italy và Thụy Điển đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời khẳng định đây là động thái không phù hợp với các nghị quyết của HĐBA LHQ và không giúp ích gì cho triển vọng hòa bình tại khu vực.
Cùng ngày 8/12, tại một cuộc họp báo chung sau hội đàm với Ngoại trưởng Jordan, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Federica Mogherini cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ về Jerusalem có thể sẽ là một "món quà" cho các phần tử cực đoan.
Theo bà Mogherini, diễn biến tồi tệ nhất có thể là tình hình vốn đang rất xấu hiện nay trở nên xấu hơn và căng thẳng bùng phát hơn nữa trong khu vực.
Về phần mình, Ngoại trưởng Jordan, nước hiện đang nắm quyền quản lý các địa điểm linh thiêng của cả người Hồi giáo và Cơ đốc giáo ở Đông Jerusalem, cho biết quyết định của Tổng thống Trump là "rất nguy hiểm" và "không phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như các nghị quyết an ninh của LHQ, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng và gây ra phản ứng giận dữ trong toàn thế giới Arab Hồi giáo".
Trước đó, ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bà Mogherini đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của EU và kêu gọi tất cả các tác nhân trong khu vực bình tĩnh và kiềm chế.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trong khu vực vốn đã bị trì hoãn quá lâu đã bị dư luận nhìn chung xem đây là một "bước đi nguy hiểm", không chỉ đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab.
Lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel coi Jerusalem là thủ đô "vĩnh viễn và không thể chia cắt" của mình, trong khi người Palestine muốn Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Đông Jerusalem đã bị Israel chiếm đóng trái phép trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sáp nhập vào lãnh thổ nước mình trong một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Thanh Phương (tổng hợp)