|
Học sinh Hàn Quốc |
Nỗi lo là ở chỗ trong một "thế giới phẳng", ở đó công nghệ và toàn cầu hóa tạo điều kiện cho công việc được số hóa và thực hiện ở bất cứ đâu trên hành tinh, các quốc gia đang ngày càng phải dựa vào chất lượng đội ngũ lao động để cạnh tranh với nhau.
Mới đây (tháng 9), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố một báo cáo có nhan đề "Giáo dục: cái nhìn thoáng qua" (Education at a glance), bao gồm các sự kiện và con số cho phép so sánh các chỉ số liên quan đến giáo dục của các nước, từ tỷ lệ học sinh bỏ học cho đến số người học đại học.
Báo cáo cho thấy rằng giáo dục ở Đông Á đang bùng nổ, mà Hàn Quốc là hình mẫu cho các nước khác. Hai thế hệ trước, Hàn Quốc mới chỉ có nền giáo dục thấp nhất trong số các nước OECD, thế nhưng đến nay 97 % người dân Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 và 34 đã hoàn thành chương trình phổ thông trung học - tỷ lệ cao nhất trong số các nước đã công nghiệp hóa.
Sự phát triển ngoạn mục này đang làm sói mòn lợi thế "người đi trước" mà những nước như Mỹ có được với tư cách là nước đầu tiên đưa tất cả công dân đến trường. Liên minh Châu Âu cũng đạt những thành tích tuyệt vời nhưng khó có thể đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình về giáo dục phổ thông và đại học được đề ra tại cuộc họp thượng đỉnh năm 2000 ở Lisbon, với mục tiêu làm cho khối này trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thể giới.
Theo Andreas Schleicher, trưởng phòng thống kê phân tích giáo dục của OECD, cứ 9 giây có một học sinh châu Âu rời trường học mà không hoàn thành chương trình phổ thông, làm giảm mạnh khả năng tìm việc làm của họ.
Nhiều nước châu Âu, cũng như Mỹ, đang tụt lùi trên trường quốc tế về trình độ toán của học sinh ở độ tuổi 15. Như Schleicher nhận xét: "Bởi vậy hoàn toàn có thể dự đoán rằng những việc làm trình độ cao trong lĩnh vực đổi mới công nghệ và R&D (nghiên cứu phát triển) của ngày mai - và mức lương cao tương ứng - sẽ chạy sang châu Á nếu EU và Mỹ không có được những tiến bộ vượt bậc."
Nhưng đâu là nguyên nhân thực sự của nền giáo dục thành công? Một trong những giải pháp là chi thật nhiều tiền và một phần thật lớn trong số đó phải dành cho công nghệ thông tin, cho dù chỉ có bằng chứng hiếm hoi cho thấy rằng tiếp cận được với máy tính sẽ nâng cao được trình độ học tập. Và hiện nay các nước ngày càng chú ý đến việc "cá nhân hóa học tập", tức là dạy học được nhằm vào những nhu cầu cụ thể của học sinh.
Một khuynh hướng toàn cầu quan trọng đang thấy rõ là sự phá vỡ hệ thống giáo dục quan liêu tập trung truyền thống và tăng quyền hạn nhiều hơn cho các trường học. Nhiều nước đang huy động khu vực tư nhân vào cung cấp giáo dục và trao quyền tự chủ cho các trường học, hệ thống giáo dục thống nhất đang dần biến đi.
Thật vậy, các nước đang khuyến khích sự đa dạng hóa trong cung cấp giáo dục, trao cho cha mẹ học sinh sự lựa chọn lớn hơn đối với việc con mình sẽ học ở đâu và học thế nào. Cạnh tranh giữa các trường học buộc những người hiệu trưởng phải làm việc tốt hơn.
Nhưng cũng cần cảnh báo rằng, không thể sao chép một cách đơn giản mô hình giáo dục từ nước này vào nước khác.
Có nhiều nhân tố phi giáo dục tác động đến kết quả hoạt động kinh tế của một quốc gia. Một quốc gia có dân số nhỏ và đồng nhất có thể là điều kiện thuận lợi giúp Phần Lan có được hệ thống giáo dục được coi là nhất thế giới. Mặt khác, những nước như Hàn Quốc đã thực hiện những cải cách giáo dục quyết đoán hơn nhiều so với nhiều nước khác trên thế giới.
Nếu xét đến gợi ý rằng chỉ một phần tư học sinh Nhật ở độ tuổi 15 học môn toán bởi vì chúng thích toán. Alison Wolf, giáo sư Quản lý công của trường King's College, London, nói: "Chúng có thể không thích nhưng chúng học chăm chỉ bởi vì chúng biết rằng kế quả thi sẽ trao cho chúng tấm hộ chiếu thăng tiến trong xã hội. Nhưng cũng như những đứa trẻ của thế hệ những người di cư châu Âu đầu tiên không làm việc chăm chỉ như cha mẹ mình. Và theo thời gian chúng ta có thể chứng kiến những người châu Á trẻ tuổi sẽ trở nên giống những người phương Tây hiện nay, bỏ học và tụt lùi trong biểu đồ của OECD.