Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nước dưới đất hiện được khai thác chủ yếu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và sử dụng trong sản xuất kinh doanh. Dựa vào mức độ và quy mô khai thác có thể phân chia thành 4 hệ thống khai thác như sau: Hệ thống khai thác tập trung, gồm các công trình lấy nước có nhiều giếng khoan, khai thác liên tục suốt ngày đêm với công suất từ 1.000m3/ngày trở lên. Điển hình như Nhà máy Nước Bắc Ninh gồm hơn chục giếng khoan, thời gian khai thác 18/24 h, nước được lấy từ trong tầng cát cuội sỏi ở độ sâu 20-40 m, được dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân thành phố. Hiện nay do nhu cầu sử dụng ngày một tăng, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên cấp thoát nước Bắc Ninh tiếp tục đầu tư nâng công suất của nhà máy lên. Tiếp đến là hệ thống khai thác nước nhỏ, gồm các trạm cấp nước nhỏ có công suất sử dụng dưới 500m3/ngày do các công ty sản xuất kinh doanh tự khoan, tự vận hành. Mỗi trạm gồm 2-7 giếng khai thác liên tục cung cấp nước cho cụm công nghiệp, khu dân cư, thị trấn, thị tứ… như trạm cấp nước Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), công suất khai thác 1.500m3/ngày, khai thác ở độ sâu 55-70m. Trường Đại học TDTT trung ương I, có trạm cấp nước khai thác ở độ sâu 55-70m, công suất 1.300m3/ngày. Công ty Đại Đồng Tâm cũng có trạm cấp nươc công suất 720 m3/ngày và khai thác ở độ sâu 28-65m. Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bắc Bộ xây dựng trạm cấp nước sạch tại phường Đông Ngàn (thị xã Từ Sơn) khai thác ở độ sâu 60m, công suất gần 700m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân phường Đông Ngàn và một số phường lân cận. Dự án cấp nước sạch xã Trí Quả (Thuận Thành) công suất 600m3/ngày, khai thác ở độ sâu từ 50-70m. Nhà máy cấp nước sạch trong KCN Tiên Sơn công suất 360m3/ngày, khai thác ở độ sâu từ 30-40 m… Hệ thống khai thác đơn lẻ gồm các giếng khoan đơn lẻ cấp nước cho các nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị quân đội, khu nhà tập thể… toàn tỉnh có khoảng 130 giếng. Hệ thống các giếng khoan nông thôn do các hộ khoan tự phát để cung cấp nước sinh hoạt cho gia đình. Hiện toàn tỉnh có khoảng gần 80.000 giếng, lưu lượng mỗi giếng khoảng 20 m3/ngày. Ngoài ra còn có hơn 90.000 giếng đào, lưu lượng khoảng 0,5 m3/ngày. Tuy nhiên do chất lượng khoan, đào giếng của các gia đình kém nên nhiều giếng chỉ hoạt động một thời gian ngắn bị bỏ, không được trám lấp lỗ khoan cũ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Thực tế sử dụng nguồn nước ngầm hiện nay cho thấy, đây là nguồn cung cấp nước cơ bản cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn. Tuy nhiên việc khai thác và sử dụng nước ngầm một cách tùy tiện, không theo quy hoạch đang làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Mặt khác các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất nông nghiệp phát sinh nước thải không được xử lý, trải qua thời gian ngấm dần xuống tầng nước ngầm đang làm ô nhiễm nước dưới đất. Vì vậy trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm phải tuân theo quy hoạch, có đánh giá chất lượng của các cơ quan chuyên môn như vậy mới bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, cũng như bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này.
Thái Uyên