Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y - Ảnh: VGP/Anh Thơ |
Thưa ông, theo thống kê của bác sĩ Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, chỉ trong vòng 10 tháng qua, đã có tới 9 vụ nhân viên y tế bị hành hung, tỉ lệ nhiều gấp 3 lần so với giai đoạn 2010-2017. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải thốt lên: “Y tế đang đơn độc”. Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc xảy ra ngày càng nhiều các vụ hành hung bác sĩ như vậy? Và ngành y có thực sự đang đơn độc không?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Nguyên nhân của những vụ hành hung rất rõ ràng, đó là vì đạo đức xã hội càng ngày càng đi xuống. Điều này không thể thay đổi được. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta đề cao yếu tố cá nhân. Ngành y chỉ là một bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với cả xã hội, trực tiếp tiếp xúc với cả xã hội nên sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Ví dụ như vụ việc những trẻ vị thành niên cầm dao trên đường cao tốc, chặn chém xe. Những đối tượng như thế nếu như vào bệnh viện thì khả năng cầm dao chém người sẽ rất cao.
Theo tôi, ngành y không hẳn đang đơn độc. Bộ Công an đã tỏ rõ quyết tâm, làm việc quyết liệt trong khả năng của mình. Tuy nhiên, những vụ xử phạt như vậy chưa đủ để răn đe. Báo chí cũng rất ủng hộ và công luận cũng nhất trí là không thể tiếp tục hành vi bạo hành y tế được.
Theo thống kê, đối với những sự việc xảy ra trong 10 tháng qua thì chỉ một đối tượng bị xử tù giam 2 năm, một đối tượng bị xử tù giam 9 tháng. Các trường hợp khác bị tạm giam rồi… xử lý hành chính. Bác sĩ đánh giá thế nào về việc này?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Đúng là theo luật pháp thì chúng ta không thể bỏ tù đối tượng hành hung bác sĩ được vì nhiều khi đó chỉ là một cú đấm nên thương tích là không lớn. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đấu tranh trước Quốc hội, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2018 sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 6 năm nay quy định những ai hành hung người đang chăm sóc mình sẽ bị đưa vào tình tiết tăng nặng, tương đương hành hung người dạy dỗ mình, người nuôi dưỡng mình. Đây là cơ sở dữ liệu để tăng hình phạt. Tuy nhiên, theo tôi thì đó không phải là yếu tố quyết định thành công.
Yếu tố quyết định thành công chính là nhận thức của con người. Đó là hệ quả của cả một hệ thống: Từ giáo dục đến cách hành xử của người đó. Cuối cùng, cách hành xử của nhân viên y tế cũng phải thay đổi, y bác sĩ phải biết cách tự bảo vệ mình.
Từ trước đến giờ, ngành y tế hầu như không bao giờ coi trọng chuyện mình phải bảo vệ bản thân mình, lúc nào cũng tự tin là mọi người đều coi “lương y như từ mẫu”, người ta sẽ tôn trọng mình. Nhưng hiện nay thì phải thay đổi suy nghĩ ấy. Đây là vai trò giữa bệnh nhân và người cung cấp dịch vụ. Ngành y tế bây giờ chính thức được coi là ngành cung cấp dịch vụ. Khi đã là dịch vụ thì vai trò của người ta ngang nhau. Ngoài việc thay đổi đối tượng khách hàng thì ngành y phải phòng thủ cho mình, phải đào tạo nhân viên y tế tự bảo vệ mình.
Đó có phải là giải pháp mà ông, với tư cách đại biểu Quốc hội và là người trong ngành, chuẩn bị đưa ra?
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Đúng vậy. Chúng tôi đã tham khảo các phương pháp từ nước ngoài. Thứ nhất là chúng ta phải huấn luyện các bác sĩ cách ứng xử với những trường hợp có nguy cơ bạo hành, có thể dùng ngôn ngữ, gọi là ngôn ngữ ánh mắt và cơ thể để nhận biết được.
Ngoài ra, chúng ta nên lập ra một quy tắc ứng xử và phải được triệt để sử dụng như một thói quen cho tất cả bệnh viện.
Thí dụ như đơn giản nhất, quy tắc một cánh tay chẳng hạn. Theo đó, bệnh nhân không được quyền tiến sát bác sĩ quá một cánh tay. Bởi theo nghiên cứu va chạm, nếu đứng cách nhau một cánh tay thì thương tích sẽ không nghiêm trọng nếu một người hành hung người còn lại.
Quy tắc thứ hai, đó là không để cho bác sĩ quay lưng với người bệnh, kể cả người nhà bệnh nhân, trong tất cả tình huống. Lúc nào trong phòng bệnh cũng có 2 nhân viên y tế. Như vậy, khi một bác sĩ quay lưng đi thì sẽ có bác sĩ kia chú ý. Thông thường, tâm lý của tội phạm là luôn tìm cách đánh sau lưng nên quy tắc này sẽ giúp khắc chế bớt hành động của họ.
Những phương pháp nêu trên đều được ông tham khảo từ nước ngoài, vậy có phải trên thế giới cũng từng xảy ra những sự việc tương tự và cách họ giải quyết vấn đề này như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Tất nhiên, tại nhiều nước đang phát triển đã từng xảy ra tình trạng này như Ấn Độ, Indonesia… Tại Ấn Độ, người ta có những bang ra hẳn điều luật chống bạo hành y tế. Điều luật quy định rõ ràng hình phạt dành cho người xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế, đến của cải của bệnh viện. Tôi cũng đã đề xuất đến điều luật ấy trước Quốc hội. Tuy nhiên ở Việt Nam, điều ấy rất khó xảy ra bởi vì nếu đòi điều luật riêng cho y tế thì sẽ phải có luật riêng cho các ngành khác…
Cũng có ý tưởng là áp dụng điều luật chống người thi hành công vụ khi y bác sĩ mặc áo blouse, tuy nhiên, vì đường lối chính sách của Nhà nước mình thay đổi, coi y tế là ngành dịch vụ, biến bệnh viện thành cơ sở cung cấp dịch vụ nên không thể coi nhân viên y tế là công chức, viên chức, là người thi hành công vụ được. Chúng ta chỉ có thể đưa ra những quy định trong nội bộ ngành y tế, điều đấy đang được Bộ Y tế bàn bạc rất kỹ. Giống như trong ngành hàng không, nếu hành khách xúc phạm hoặc hành hung nhân viên hàng không thì sẽ bị phạt tiền, cấm bay. Chúng ta không thể cấm chữa bệnh nhưng có thể đưa ra hình phạt là người hành hung bác sĩ sẽ không được quyền chữa bệnh ở cơ sở ấy nữa hoặc chi phí chữa bệnh phải tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ngành y tế cũng phải đoàn kết với nhau. Nếu một bệnh viện thực hiện mà bệnh viện kia không thực hiện thì sẽ không có ý nghĩa răn đe gì cả. Phải xây dựng một hệ thống chống bạo hành y tế, có website riêng. Chúng ta nên đăng tải hết những hình ảnh, những đối tượng hành hung nhân viên y tế lên website ấy, yêu cầu các bệnh viện cùng nhau theo dõi và xử phạt trong nội bộ ngành.
Bác sĩ là một người rất tích cực sử dụng mạng xã hội. Theo ông, vai trò của mạng xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và đấu tranh với những hành động xấu nói trên là gì?
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Vai trò của mạng xã hội là rất quan trọng. Trước đây, đa phần những vụ hành hung được đăng tải lên Facebook đều nhận được những bình luận rất vô trách nhiệm: “Thể nào chẳng có nguyên nhân”, “đánh là đáng đời”. Nhưng càng ngày, những câu nói ấy càng ít đi. Hiện nay, rất mừng là công luận, báo, đài rất quan tâm đến những vụ việc này. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy kèm theo phương pháp gì để thay đổi thì vẫn chưa tìm ra và chúng ta vẫn phải tiếp tục cùng nhau tìm. Tôi cũng cho rằng chưa chắc cách tôi nghĩ ra đã đúng, chưa chắc đã được ủng hộ nhưng ít nhất, vẫn có người đang cố gắng làm một việc gì đấy để khiến mọi việc trở nên tốt đẹp hơn.
Xin cảm ơn ông!
Anh Thơ