Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Kỷ niệm 50 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973-27/1/2023)
Mặc dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng khi nhắc đến quá trình đấu tranh ngoại giao để đi đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên vẫn còn nguyên vẹn những ký ức sinh động về quá trình đàm phán và thi hành Hiệp định Paris-một chiến thắng vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại thắng lợi vĩ đại ấy, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, việc ký kết Hiệp định Paris là một mốc son ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, chấm dứt một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đẫm máu nhất của thế kỷ 20 như đã được tiên đoán trước trong bài thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc còn thắng to.
Vì Độc lập, vì Tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Đó cũng chính là thể hiện sự chỉ đạo chiến lược, phương châm hành động chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả 3 mặt trận chính trị, chiến trường và ngoại giao.
Hiệp định Paris khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, sự chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta.
Nhắc lại quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris năm 1973, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, đây là cả một quá trình đấu tranh vô cùng quyết liệt. Thắng lợi của cuộc nổi dậy Mậu Thân 1968 là tiền đề quan trọng, cho thấy nước Mỹ có đổ của, đổ sức hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng Việt Nam đến đâu cũng thất bại.
"Chúng ta càng phải làm cho nhân dân thế giới hiểu được rằng nếu có kéo dài chiến tranh cũng không thể nào thắng được nhân dân Việt Nam. Vì vậy lúc đầu đàm phán chỉ có 2 bên giữa ta và Mỹ vào năm 1968. Sau mở ra 4 bên, phía ta có thêm Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, phía bên kia là Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Quá trình này đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: Đọ sức trên chiến trường đồng thời với đọ sức trên mặt trận ngoại giao", ông Nguyễn Dy Niên nói.
Lúc đầu hai bên chỉ bàn 2 vấn đề: Một là việc rút quân đội và lập lại hòa bình. Khó khăn nhất trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris là việc rút quân vì người Mỹ lập luận rằng, Mỹ rút quân thì miền Bắc cũng phải rút quân khỏi miền Nam. Điều này chúng ta không chấp nhận và các nhà đàm phán của chúng ta giữ vững nguyên tắc "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Chúng ta cũng khẳng định lập trường không thay đổi là: Trước tiên, Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sau đó, mới bàn các vấn đề có liên quan của hai bên.
Lập luận của chúng ta là: Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một nên ở đâu trên lãnh thổ chúng ta có quân xâm lược thì người Việt Nam có quyền đến đấy để bảo vệ Tổ quốc của mình. Điều này đã được các nhà ngoại giao Việt Nam vận dụng rất khôn khéo trên bàn đàm phán nên chúng ta tranh thủ được dư luận rất lớn và tranh thủ được phong trào chống chiến tranh ở Mỹ.
Nhắc lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho biết, trước khi họ thất trận, người Pháp xây dựng pháo đài Điện Biên Phủ để thách thức cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam.
"Có nhiều người hỏi tôi tại sao Pháp lại tập trung đội quân lớn ở giữa rừng núi Việt Bắc như vậy? Tôi có tìm hiểu và thấy rằng người Pháp muốn biến nơi đây thành trọng điểm về quân sự để thu hút quân chủ lực của Việt Nam và tiêu diệt. Cuối cùng Pháp thất bại hoàn toàn, đánh dấu chủ nghĩa thực dân sụp đổ. Đối với Mỹ cũng vậy. Trong quá trình đàm phán để đi đến Dự thảo Hiệp định Paris gặp muôn vàn khó khăn. Chúng ta đấu trí trong từng câu, từng chữ. Chúng tôi lúc đấy ở vòng ngoài chuẩn bị mới thấy đấu tranh ở bàn Hội nghị cực kỳ phức tạp và khó khăn, không kém phần quyết liệt như trên chiến trường", nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Dy Niên, điều quyết định vẫn là trên chiến trường, chiến trường có thắng được chúng ta mới có thể đưa ra những yêu cầu cao đối với Mỹ, mới yêu cầu Mỹ rút quân và quân đội ta vẫn ở lại miền Nam. Nếu chúng ta thất bại trên chiến trường thì phía Mỹ không bao giờ chấp nhận các điều kiện của ta. Do đó đối thoại ở Paris là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bàn Hội nghị và chiến trường. Việc chủ động bước vào cục diện "vừa đánh, vừa đàm" thực sự là một sáng tạo lớn của Đảng ta, thể hiện sự độc lập tự chủ về đường lối. Đây cũng là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với chúng ta.
Ông Nguyễn Dy Niên nhớ lại khi bản Dự thảo Hiệp định Paris được ông Lê Đức Thọ và Henry Kissinger thỏa thuận cuối tháng 10/1972, Kissinger đòi sửa đổi với lý do Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không chấp nhận nên bắt buộc phải sửa đổi. Nhưng ông Lê Đức Thọ nói rằng nếu các ông sửa thì chúng tôi cũng sửa, các ông sửa ít thì chúng tôi sửa ít, các ông sửa nhiều thì chúng tôi sửa nhiều. Làm như thế thì không thể thành một Hiệp định. Chỉ có một con đường các ông chấp nhận Dự thảo mà chúng ta đã cơ bản thỏa thuận với nhau trước ngày 20/10/1972, nếu không sẽ đi đến bế tắc.
Kissinger về nước báo cáo với Tổng thống Mỹ Richard Nixon và lật lọng bằng cách thực hiện chiến dịch "Linebacker 2" ném bom B52 để hủy diệt Hà Nội và nhiều thành phố lân cận. Tuy nhiên một lần nữa quân Mỹ lại thất bại hoàn toàn. Với thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ trên không, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom và đề nghị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nối lại đàm phán, ký kết Hiệp định Paris với Việt Nam.
Sau khi ký tắt Hiệp định Paris, Kissinger gấp hết giấy tờ và hỏi ông Lê Đức Thọ: Tôi xin hỏi ông một câu, ông trả lời cho tôi có hay không quân đội miền Bắc còn ở miền Nam Việt Nam. Ông Lê Đức Thọ nhắc lại: Đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một nên ở đâu trên lãnh thổ chúng tôi có quân xâm lược thì người Việt Nam có quyền đến đấy để bảo vệ Tổ quốc của mình.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, thắng lợi của Hiệp định Paris cho chúng ta bài học kinh nghiệm: Chúng ta phải kiên định, kiên trì vì chúng ta có chính nghĩa, nếu không có chính nghĩa thì sự kiên trì ấy là sự ngoan cố. Khi có chính nghĩa chúng ta đề ra đường lối đấu tranh, đàm phán; kiên trì với mục tiêu đó mới đi đến thắng lợi.
Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành tột bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của Hiệp định Paris cho thấy rõ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn người và dụng người rất đúng. Bác đã chọn 2 nhân vật: Đồng chí Xuân Thủy, nguyên là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là người uyển chuyển, vững vàng nhưng rất sách lược, làm trưởng đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác chọn thêm một nhân vật chủ chốt nữa của Đoàn đàm phán là đồng chí Lê Đức Thọ. Ông vừa là nhà chính trị, nhà quân sự đồng thời là nhà ngoại giao rất giỏi dù ông chưa qua một trường lớp ngoại giao nào và cũng chưa lúc nào đảm nhiệm chức vụ ngoại giao.
Ông Nguyễn Dy Niên cho biết, trong đàm phán, Bác Hồ chọn một người rất mềm dẻo, sách lược, uyển chuyển và thu hút sự quan tâm của dư luận như đồng chí Xuân Thủy nên trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris với 201 phiên họp công khai, 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn, đồng chí Xuân Thủy đều nói lên chính nghĩa và tinh thần quyết chiến của Việt Nam để giành độc lập, tự do và sự phi nghĩa xâm lược của Mỹ. Đặc biệt, ông đã vận dụng sáng tạo sách lược "tuy hai mà một, tuy một mà hai", phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Bắc - Nam trong quá trình đàm phán hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Xuân Thủy là người nho nhã, vừa là nhà báo, nhà thơ, nhà ngoại giao. "Nụ cười Xuân Thủy" ở Paris đã tạo thiện cảm và thu hút được báo giới.
Nói về Cố vấn đặc biệt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris là đồng chí Lê Đức Thọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên chia sẻ: "Tôi khâm phục ông Lê Đức Thọ. Trên thế giới tôi chưa thấy nhà đàm phán nào nói những lời lẽ rất nặng nề dành cho đối phương của mình mà khiến đối phương phải ngồi nghe một cách thuyết phục. Ông có thói quen khi nói vê vê đầu bút chì. Sau này phía Mỹ có nói lại: Khi chúng tôi thấy ông Thọ vê vê đầu bút chì là chúng tôi biết sẽ "ăn đòn" với ông. Mặc dù vậy ông Lê Đức Thọ không làm cho người Mỹ ghét mà lại nể phục. Chúng ta nhìn thấy ở ông toát lên một con người trí tuệ, con người biết "lúc nào cứng, lúc nào mềm". Do vậy Kissinger thán phục Lê Đức Thọ. Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger từng chia sẻ trong hồi ký rằng: "Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ".
Trong thời kỳ đó chúng ta còn thấy những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Ông chính là người ở trong nước chuẩn bị nội dung cho các cuộc đàm phán ở Paris. Bác Hồ phân công rất rõ ràng, một người đấu tranh ở trên bàn đàm phán, một người ở nhà soạn thảo sách lược, chiến lược.
Ông Nguyễn Dy Niên nhớ lại, khi ở nhà phải chuẩn bị cho các vòng đàm phán của Hiệp định Paris, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh, ông Niên và các cán bộ ngoại giao khác phải làm việc ngày đêm rất căng thẳng, vất vả. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh có dặn phải hết sức giữ bí mật vì đây là xương máu của quân và dân ta ở chiến trường. Điều đó chúng tôi luôn ghi nhớ. Ai làm gì biết việc của người đấy, không thảo luận ngoài lề. Hiệp định Paris thắng lợi cũng nhờ yếu tố bí mật. Bởi Mỹ tìm mọi cách để "moi" thông tin của ta. Ở Paris chúng ta có thiết kế phòng họp dù Mỹ có dùng bất kỳ phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng không thể biết được thông tin. Những đòn tấn công của Việt Nam làm Mỹ hoàn toàn bất ngờ không thể đối phó và phản công chúng ta.
Ngoài ra, khi nói đến ông Lê Đức Thọ, chúng ta cũng phải nhắc đến vai trò của ông Nguyễn Cơ Thạch. Với tư cách là trợ lý cho Cố vấn Lê Đức Thọ, ông đã thể hiện là một nhà ngoại giao tài ba, khôn khéo, sắc sảo trên bàn đàm phán, đã đưa ra những nhận định, những ý kiến xác đáng làm cho đối phương phải nể trọng.
Một nữ tướng trên bàn đàm phán là đồng chí Nguyễn Thị Bình, một trí thức lớn lên từ phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam. Bác đã chọn người phụ nữ được đào tạo chính quy, có tri thức, nói tiếng Pháp rất giỏi. Khi họp báo bà nói trực tiếp bằng tiếng Pháp nên rất thu hút báo giới, được nhiều bạn bè quốc tế quý mến. Nữ Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là niềm tự hào của cách mạng Việt Nam.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, yếu tố quyết định cho thắng lợi của Hiệp định Paris trước hết là yếu tố trên chiến trường, thứ hai là người đàm phán. Nhưng để người đàm phán có thế mạnh thì phải cần hai nhân tố: Chiến trường phải thắng lợi và phải được sự ủng hộ của nhân dân trên thế giới cùng nhân dân Mỹ.
Thời kỳ đó, phong trào ủng hộ Việt Nam ở châu Âu rất mạnh mẽ. Vì vậy Đảng ta đã đúc kết, chúng ta có thắng được chính là nhờ sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Nếu không có sức mạnh ủng hộ Việt Nam ở Tây Âu, Mỹ, Bắc Mỹ thì Nixon còn ngoan cố. Chính những điều này tiếp thêm sức mạnh cho Việt Nam, thúc đẩy phía Mỹ đi đến thỏa thuận và đàm phán Hiệp định Paris với chúng ta. Cuộc chiến tranh Việt Nam cũng không được chính người dân Mỹ ủng hộ, đồng tình.
Những người từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở những năm 80, 90 của thế kỷ trước, thậm chí đầu thế kỷ 21 một số lãnh đạo của các nước trưởng thành từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam đã rất hãnh diện khi là người tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Sau này, khi hòa bình lập lại phong trào đó biến thành sự ủng hộ Việt Nam phục hồi kinh tế, phục hồi chiến tranh. Như vậy, bài học đoàn kết là rất lớn, thời đại nào chúng ta cũng phải tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế.
Xây dựng được con người đối ngoại vững vàng, kiên quyết, trí tuệ
Trong bối cảnh hiện nay chúng ta có rất nhiều thuận lợi, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay. Vì vậy theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, trên cơ sở đó chúng ta phải hành xử khác, phải đoàn kết quốc tế, tạo thuận lợi cho đất nước chứ không bao giờ đẩy đất nước vào thế khó.
Điều mà nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên còn trăn trở trước khi kết thúc cuộc trò chuyện chính là con người ngoại giao ngày nay.
"Chúng ta phải tìm được những người như thế hệ học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng được con người đối ngoại vững vàng, kiên quyết, trí tuệ không chỉ riêng ở Bộ Ngoại giao mà ở trên các lĩnh vực khác liên quan. Chúng ta có đối ngoại nhân dân và hầu hết các lĩnh vực đều có công tác đối ngoại. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng được cán bộ làm công tác đối ngoại thật tốt", ông Nguyễn Dy Niên nói.
Trong thời chiến, quân đội đi tiên phong, nhưng trong thời bình, ngoại giao phải đi tiên phong. Phải xây dựng chiến lược ngoại giao với tầm nhìn xa. Phải có đội ngũ cán bộ ngoại giao đủ mạnh, có bộ máy đối ngoại chuyên nghiệp phối hợp với các lĩnh vực khác để đưa đất nước phát triển phồn vinh, vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Diệp Anh