Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, các nội dung Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị gồm:
Khoản 5, Điều 7, Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định: "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trước khi thực hiện vận chuyển hành khách phải cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo quy định tại khoản 2 (trừ điểm e, điểm g) Điều 15 của Nghị định này đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email). Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải".
Nghị định 41/2024/NĐ-CP sửa đổi nội dung tại Khoản 5, Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP như sau: "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 03 năm".
Quy định nêu trên tiếp tục được giữ nguyên tại Dự thảo Nghị định mới tại khoản 6, điều 7 về Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cụ thể: "Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng lưu trữ hợp đồng vận chuyển kèm theo danh sách hành khách tối thiểu 03 năm".
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh, sửa đổi Khoản 5, Điều 7, Nghị định 10/2020/NĐ-CP theo Nghị định số 41/2024/NĐ-CP và tiếp tục được giữ nguyên tại Dự thảo Nghị định mới là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển chung của xã hội.
"Việc loại bỏ quy định 'đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải' tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP sẽ khiến mất đi nguồn dữ liệu quý báu là căn cứ khách quan về hoạt động vận tải của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý sẽ rất khó khăn trong công tác theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm cũng như công tác hoạch định chính sách vận tải.
Điều này mâu thuẫn với các văn bản chính sách của Chính phủ, thể hiện sự thiếu chặt chẽ, tạo 'lỗ hổng' lớn trong quản lý vận tải đường bộ để tình trạng 'xe dù, bến cóc', xe hợp đồng trá hình cạnh tranh không lành mạnh, gian lận để trốn thuế... ngày càng nghiêm trọng hơn", Hiệp hội taxi Hà Nội phân tích.
Đồng thời, Hiệp hội cũng cho rằng quy định này khiến cơ quan quản lý mất đi nguồn giữ liệu quan trọng dẫn tới sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như: ngành giao thông, lực lượng CSGT, Cơ quan thuế, cơ quan an ninh… sẽ mất đi tính đồng bộ và chặt chẽ khiến các vi phạm Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, gian lận thuế, tội phạm về an ninh trật tự xã hội, kinh tế có nguy cơ khó bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Quy định này cũng sẽ gây khó khăn trong việc truy xuất thông tin phương tiện, người lái. Khó khăn trong việc giám sát và xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình không được kết nối với dữ liệu hợp đồng đã khai báo qua phần mềm khiến CSGT khó khăn trong việc xử lý các vi phạm, tăng gánh nặng kiểm tra trực tiếp cũng như khó khăn trong việc phát hiện hành vi tái phạm và hạn chế trong việc phối hợp liên ngành….
Đặc biệt, theo Hiệp hội taxi Hà Nội, xu hướng hiện nay là tăng cường sử dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả giám sát và quản lý trong lĩnh vực vận tải. Việc bỏ quy định cung cấp thông tin qua phần mềm là một bước lùi so với xu hướng này, làm giảm tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Do vậy, việc áp dụng chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động vận tải đường bộ và dữ liệu giám sát, giám sát hành trình xe với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) để phối hợp quản lý là yếu tố then chốt trong việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch trong nền kinh tế, thực hiện tốt Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất sửa đổi tại nội dung Khoản 6, Điều 7 Dự thảo Nghị định: "Từ ngày 1/1/2026, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển theo chuyến qua phần mềm của Bộ Giao thông vận tải".
Việc cung cấp dữ liệu hợp đồng của các đơn vị kinh doanh vật tải trước mắt sẽ áp dụng với Hợp đồng theo từng chuyến (chưa áp dụng cho loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên đi học, đi làm việc,…). Sau khi triển khai thực hiện quy định này sẽ tổ chức đánh giá tác động để điều chỉnh đối tượng áp dụng sang các loại hình vận tải theo tuyến cố định, xe buýt.
Lý do đưa ra đề xuất trên, Hiệp hội taxi Hà Nội khẳng định, cốt lõi là duy trì và phát triển việc áp dụng chuyển đổi số và kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động vận tải đường bộ và dữ liệu giám sát, giám sát hành trình xe với các cơ quan hữu quan khác.
Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề không nhất quán và mâu thuẫn trong việc triển khai nên cản trở việc đồng bộ hoá dữ liệu, tạo cơ hội, lỗ hổng cho việc vi phạm pháp luật. Do vậy cần phải có một lộ trình phù hợp để đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, số hoá công tác quản lý GTVT để từng bước hoàn thành kết nối, chia sẽ dữ liệu đồng bộ với các ban ngành hữu quan, hoàn thành chủ trương "Chính phủ điện tử".
Mai Ngọc