Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sứ mệnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Tính đến thời điểm hiện tại, danh mục của SCIC bao gồm 148 doanh nghiệp với số vốn Nhà nước là 40.036 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ là 125.403 tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt trên 190.000 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, với vai trò cổ đông Nhà nước, SCIC đã kiện toàn hệ thống người đại diện tại doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Bên cạnh đó, SCIC đã chủ động xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung xử lý các tồn tại; nghiên cứu, tham gia quyết định các phương án kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định tình hình tài chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và các công ty có vốn còn lại của VnSteel khá tốt. Năm 2021, doanh thu 6 tháng hợp nhất của Tổng công ty đạt 20.774 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.125 tỷ đồng, tăng hơn 800% so với cùng kỳ năm 2020. Đại hội đồng cổ đông vừa qua đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 bao gồm tổng doanh thu hợp nhất 30.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 400 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, VnSteel đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu năm và 281% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất.
6 tháng đầu năm, Tổng công ty Thép Việt Nam đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu năm và 281% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất |
"SCIC đã tham gia phối hợp rất tích cực với Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát FPT Telecom trong việc xây dựng chiến lược và định hướng phát triển sản xuất kinh doanh của Công ty, nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý tối ưu nguồn vốn", ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết. |
Sau khi rà soát tổng thể các mặt hoạt động, tập trung vào đề án tái cơ cấu VNSteel, SCIC đã chỉ đạo bộ phận đại diện vốn phối hợp với Hội đồng quản trị VNSteel phê duyệt những điều chỉnh, bổ sung cần thiết làm cơ sở cho Tổng công ty triển khai tái cơ cấu hoạt động sản xuất-kinh doanh và khoản vốn đầu tư tại một số đơn vị thành viên hoạt động kém hiệu quả, trong đó dành nguồn lực xử lý các vướng mắc, tồn tại và thực hiện tái cơ cấu tại Tisco và VTM. Kế hoạch hoạt động công ty mẹ và các đơn vị thành viên được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của của ngành thép, linh hoạt và chủ động, tận dụng được các cơ hội trên thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhờ những yếu tố hỗ trợ thuận lợi từ vĩ mô, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp ngành thép tăng trưởng khởi sắc ngoài dự báo, giá cổ phiếu trên thị trường của doanh nghiệp ngành thép cũng tăng trưởng mạnh, cho thấy sự tin tưởng và kỳ vọng của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp ngành thép, trong đó có VNSteel.
Tại Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), để có thể đạt mức doanh thu 11.466 tỷ đồng và mức lợi nhuận trước thuế 2.134 tỷ đồng trong năm 2020 (so với mức doanh thu 9.980 tỷ đồng và 1.660 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của năm 2019) bất chấp những đợt sóng “tàn khốc” từ COVID-19, FPT Telecom phải trải qua hơn 15 năm tái cấu trúc mạnh mẽ với các định hướng chiến lược đề ra.
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết, quá trình phát triển của FPT Telecom sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần từ một đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn FPT có “bàn tay” hỗ trợ của SCIC. Từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần có sự tham gia chi phối của cổ đông Nhà nước do SCIC làm đại diện vào tháng 7/2005 đến nay, SCIC luôn thể hiện vai trò của một cổ đông lớn, năng động, tích cực, hỗ trợ công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh và các định hướng chiến lược đề ra, đặc biệt là trong các giai đoạn phát triển đột phá của đơn vị, đồng thời, trở thành đơn vị đồng hành cùng Công ty trong công tác quản trị doanh nghiệp, xây dựng chiến lược, kiểm soát và tối ưu hóa nguồn vốn.
SCIC thực hiện nhiệm vụ chính trị khi thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu của Vietnam Airlines |
Thực hiện tốt vai trò là ‘nhà đầu tư của Chính phủ’
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn từ 2020 trở đi, danh mục doanh nghiệp (DN) bàn giao về SCIC được dự báo sẽ giảm dần cả về số lượng và giá trị. Thực tế này đòi hỏi SCIC phải chuyển trọng tâm nhiệm vụ sang hoạt động đầu tư kinh doanh vốn. SCIC đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển của SCIC giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, xác định định hướng tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, thực hiện tốt vai trò là “nhà đầu tư của Chính phủ”, hướng tới mục tiêu trở thành Quỹ đầu tư của Chính phủ. Dự thảo đã được lấy ý kiến thẩm định của các bộ, ngành có liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... Hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC để SCIC có căn cứ triển khai hoạt động đầu tư.
Mới đây, trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại VNA thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội; Nghị quyết số 194/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã triển khai đầu tư mua cổ phiếu tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines. Việc đầu tư này nhằm góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp.
Theo ý kiến của một số chuyên gia, trong thời gian tới, SCIC cần tập trung xây dựng để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ; đầu tư vào lĩnh vực có tính chiến lược nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế, bảo đảm vị thế cạnh tranh quốc gia trong tương lai.