Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Một bệnh nhân người Mông, 39 tuổi, ở Lào Cai, có thai lần thứ 4. Bệnh nhân có tiền băng huyết nhiều lần và sinh con tại nhà. Lần mang thai thứ 4, tuổi thai đủ 9 tháng nhưng sản phụ không đi khám thai định kỳ và tiếp tục đẻ tại nhà. Sau đẻ, bệnh nhân bị chảy máu nhiều và được gia đình đưa vào phòng khám đa khoa khu vực.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị rau cài răng lược và yêu cầu hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện đa khoa huyện Mường Khương, Lào Cai.
Sau khi được chuyển tới Bệnh viện đa khoa huyện, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc giảm thể tích (mạch nhanh, huyết áp tụt, người kích thích vật vã).
Ngay trong đêm, bệnh nhân đã được BS Sùng Seo Toả tiến hành bóc rau nhân tạo, nhưng chỉ bóc được một nữa, số rau còn lại bám chặt. Các bác sĩ tiếp tục hồi sức cho bệnh nhân nhằm thoát khỏi tình trạng sốc.
Lúc này, BS Sùng Seo Toả cùng Ban Giám đốc của Bệnh viện đã hội chẩn và quyết định mổ cắt tử cung bán phần. Mặt khác, kêu gọi các đơn vị như công an, bộ đội, đoàn thanh niên trên địa bàn hiến máu để cứu bệnh nhân. Rất nhanh, Bệnh viện đã huy động được 3 đơn vị máu toàn phần cùng nhóm máu với bệnh nhân và tiến hành mổ cho sản phụ.
Ca mổ đã thành công ngoài mong đợi. Sản phụ được cứu sống trong gang tấc. Đây là một trong hàng trăm ca phẫu thuật sản, phụ khoa mỗi năm do BS Sùng Seo Toả, BV Đa khoa huyện Mường Khương thực hiện.
Bác sĩ Sùng Seo Toả cũng là một trong hàng trăm bác sĩ trẻ đã được đào tạo chuyên khoa I theo Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)" – Dự án 585 của Bộ Y tế giai đoạn 2 do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ.
Theo ông Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, nguyên Giám đốc Dự án 585, BS Sùng Seo Toả cũng như các bác sĩ trẻ được đào tạo theo Dự án này đã góp phần cứu chữa rất nhiều người bệnh ở vùng khó khăn.
Đây cũng là giải pháp để giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, đồng thời đáp ứng nhu cầu và tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ của người dân.
Hiện, Dự án đã đào tạo 632 bác sỹ thuộc 149 huyện khó khăn, biên giới, biển đảo của 36 tỉnh được đào tạo theo phương thức đặc biệt này. Các bác sĩ được đào tạo với 11 ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I gồm: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, y học cổ truyền và răng hàm mặt.
Tháng 3 vừa qua, tại trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ trao bằng và bàn giao 48 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khoá đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I khoá đầu tiên của giai đoạn 2.
Trong số các bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp, có 38 bác sỹ là người dân tộc Tày, Nùng, Thái, H’ Mông, được đào tạo theo 10 chuyên ngành khác nhau gồm: chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội, ngoại, nhi, xét nghiệm, sản, truyền nhiễm và y học.
Các bác sĩ sẽ về công tác tại 32 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh: Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu và Thanh Hóa.
Như vậy, với 16 khóa bác sỹ trẻ đã tốt nghiệp (15 khoá đã bàn giao ở giai đoạn 1), Dự án đã bàn giao 402 bác sỹ cho 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội – người chắp bút cho Dự án 585 chia sẻ, từ khi triển khai thí điểm từ năm 2013 đến nay, Dự án đã thể hiện tính hiệu quả rất cao từ việc xác định chính xác nhu cầu bác sĩ chuyên khoa cần thiết và phù hợp với từng khu vực, vùng miền khác nhau, cho đến định hướng chiến lược tạo công bằng trong chăm sóc y tế đối với người dân vùng sâu, vùng xa.
Người học cũng có động cơ học rất rõ ràng. Vì vậy, đây là hướng đi rất rõ ràng và hiệu quả đối với các cơ sở y tế vùng sâu vùng xa.
Năm 2023, Quốc hội đã chính thức đưa vào Nghị quyết 109 ngày 27/11/2023 nội dung tiếp tục thực hiện dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đây là thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ người dân trên cả nước.
Theo Bộ Y tế, hiện 62 huyện nghèo ở nước ta cần 598 bác sĩ chuyên khoa I. Giai đoạn 1 của Dự án 585 (từ năm 2015 - 2020) đã tuyển dụng, tổ chức đào tạo 354 bác sĩ. Trong đó, có 44 bác sĩ tuyển dụng tại 19 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 310 bác sĩ tuyển dụng tại địa phương tình nguyện công tác tại 85 huyện nghèo của 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Trước nhu cầu cấp thiết của ngành y tế tại các vùng khó khăn, sau khi kết thúc giai đoạn 1, Bộ Y tế đã tiếp tục thực hiện giai đoạn mới của Dự án 585 (năm 2021 - 2030).
Khẳng định Dự án 585 là một chiến lược "dài hơi" tiếp sức cho y tế cơ sở trên cả cả nước, GS.TS Tạ Thành Văn đề xuất, để Dự án 585 phát triển bền vững, các cơ sở đào tạo có thể ký hợp tác với các địa phương có nhu cầu đào tạo bác sĩ và kinh phí của người học sẽ do ngân sách địa phương chi trả.
Hiện nay, chi phí đào tạo bác sỹ trẻ theo Dự án 585 là rất lớn so với đào tạo bác sỹ chuyên khoa I thông thường (khoảng 200 triệu đồng). Vì vậy, việc tìm nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo bác sỹ trẻ rất khó khăn nếu Quỹ Thiện Tâm dừng tài trợ cho Dự án.
HM