Theo Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 40 nghìn hộ nông dân làm kinh tế khá, giỏi, chiếm hơn 22% số hộ nông dân của tỉnh, với thu nhập hàng năm từ 40 đến 100 triệu trở lên. Các hộ nông dân làm kinh tế chủ yếu là mô hình KTĐR, nông, lâm kếp hợp, chăn nuôi, kinh doanh đa ngành nghề... Thực hiện các phong trào "Năm xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp",.. các tổ chức đoàn đã giúp thanh niên vay vốn giải quyết việc làm xây dựng được gần 200 mô hình kinh tế của thanh niên, đến nay đã cho thu nhập bình quân từ 50 - 100 triệu đồng mỗi năm.
Từ các mô hình đó, nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều mô hình phong phú như: vùng cây ăn quả, cây đặc sản, cây công nghiệp... Nổi bật như vùng na dai huyện Chi Lăng, có khoảng 1.200 ha, sản lượng hơn 6.300 tấn/năm. Huyện Bắc Sơn đã hình thanh vùng cây quýt đặc sản với tổng diện tích gần hai nghìn ha, cho thu hoạch từ 1.300 đến 1.600 tấn quả/năm... Số hộ thu nhập từ cây quýt mỗi năm từ 50 đến 120 triệu đồng/ năm chiếm 20% số hộ nông dân trồng quýt trong huyện Bắc Sơn. Vùng cây công nghiệp được hình thành ở hai huyện Lộc Bình và Đình Lập với tổng diện tích hơn 60 nghìn ha. Nhiều hộ nông dân có cuộc sống ổn định, thoát khỏi đói, nghèo nhờ khai thác nhựa và gỗ thông...
Tuy xuất hiện nhiều mô hình KTĐR đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nhìn chung mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng. Ông Nông Ngọc Tăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hiện toàn tỉnh Lạng Sơn còn có trên 300 nghìn ha đất đồi chưa được sử dụng, chiếm 30% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Chỉ có 46 trang trại theo đúng tiêu chí mới nhưng làm ăn lại kém hiệu quả; giá trị sản lượng hàng hóa sản xuất ra còn thấp và không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao, còn bị động với thị trường. Việc phát triển KTĐR chủ yếu là tự phát, chưa có quy hoạch; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế...
Để khắc phục những khó khăn, khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của một tỉnh miền núi, tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nông dân về hiệu quả KTĐR, chú trọng chỉ đạo xây dựng các mô hình. Thực tế cho thấy, nhiều nơi từ cấp ủy, chính quyền đến người dân còn thờ ơ phát triển KTĐR, làm được chăng hay chớ, nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Do đó, tỉnh cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình, các thành phần kinh tế, đầu tư, hoặc tham gia góp vốn đầu tư, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, mô hình KTĐR; chú trọng xây dựng mối liên kết bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà đầu tư và nhà nông). Các ngành chức năng cần thường xuyên bồi dưỡng kiến thức kỹ thuật, quản lý cho các chủ trang trại, chủ rừng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường để sản xuất kinh doanh; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người nông dân; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, thủy lợi, chợ... để giúp người dân có cơ hội tiếp cận, định hướng sản xuất theo thị trường.
Thái Thuần