Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) là nơi người dân có diện tích sản xuất lúa rất lớn. Đặc biệt tại xã Bình Thành, hầu như nông dân vẫn thuần canh tác lúa. Tói quen canh tác bao lâu nay của người dân vẫn theo những nếp cũ, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV theo cách "lâu lâu lại ra tưới, bón một lần".
Ông Cao Thọ Trường, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò cho hay: "Hồi nào tới giờ bà con sử dụng thuốc theo tập quán, có khi lúa không có bệnh nhưng vẫn phun theo định kỳ, 22, 35, 45 ngày sau gieo sạ. Rồi trước hoặc sau khi lúa trổ bông, thậm chí bà con còn trộn các loại thuốc vào phun một lần cho… tiện, khiến môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe của bà con nông dân cũng bị ảnh hưởng. Do giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên bà con chả có lãi mấy, thậm chí một số loại nông sản giá xuống thấp bà con còn lỗ nặng".
Đầu năm 2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp thực hiện chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả. HTX Bình Thành của huyện Lấp Vò được chọn để làm thí điểm cho chương trình này đầu tiên.
Chương trình đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả chung và trên các cây trồng chủ lực; tài liệu thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sử dụng pano áp phích, poster cho các mô hình và các quy trình phòng trừ sinh vật gây hại trên các cây trồng chủ lực (lúa, xoài, nhãn, hoa hồng, hoa cúc) cho các vùng trồng trọng điểm nhằm mục đích sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
HTX Bình Thành được chọn triển khai dự án trong khoảng diện tích 240 ha, với giống lúa OM18. Các xã viên của HTX được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách); đặt 15 bể chứa thu gom bao, vỏ thuốc bào vệ thực vật đã qua sử dụng ở bờ ruộng; tổ chức thu gom rác là các loại bao, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.
Khi thực hiện chương trình, nông dân đã biết cách giảm bớt lượng giống gieo sạ, phun thuốc đúng quy trình, theo dõi tình hình dịch hại phát sinh trên cây lúa chặt chẽ, khi có dịch hại mới phun thuốc theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng, không tự ý phun theo định kỳ như trước kia.
Theo tổng kết của ông Trường thì sau khi áp dụng mô hình mới, bà con tiết kiệm được 500.000–700.000 đồng/ha nhờ sử dụng thuốc BVTV đúng cách.
Không chỉ hướng dẫn người dân dùng đúng, dùng đủ thuốc BVTV, chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả còn hướng người trồng trọt đến việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Theo ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam, Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng tâm và đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước. Do đó mục tiêu quan trọng của dự án là hỗ trợ nông dân về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ dịch hại trên các cây trồng chủ lực một cách an toàn, hiệu quả. Từ đó cải thiện thói quen sử dụng thuốc và làm nông một cách có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, Hiệp hội CropLife Việt Nam cũng mong muốn các hoạt động và mô hình về sử dụng thuốc BVTV trong khuôn khổ dự án sẽ đóng vai trò thí điểm để nhân rộng sang các tỉnh và địa phương lân cận. Từ đó định hình vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua triển khai thực hiện các mô hình trên, đa số nông dân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn, hiệu quả và thu gom chai lọ, bao gói thuốc BVTV sau sử dụng để đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nông nghiệp nói riêng.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời gian qua, Cục đã tích cực "số hóa" các tài liệu hướng dẫn, xây dựng phần mềm quản lý dịch hại cho bà con.
Ông Đạt cho biết Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Hiệp hội CropLife Việt Nam xây dựng 15 clip về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả với hình thức thông tin dễ hiểu, đúng ngôn ngữ nhà nông.
Cùng với đó là xây dựng phần mềm quản lý sinh vật gây hại trên đồng ruộng, lựa chọn kinh nghiệm vật tư nông nghiệp hiệu quả; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tận gốc mã số vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Hiện nay đã có 18 mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phù hợp với từng loại cây trồng, chất đất. Đối với thuốc BVTV, Cục cũng đưa ra công cụ số giám sát dịch hại trong 7 ngày để bà con theo dõi, có giải pháp phòng trừ hiệu quả, đúng thời điểm, đúng bệnh, đúng thuốc, từ đó tiết kiệm đầu vào, giảm chi phí.
Đỗ Hương