Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
|
Tàu vũ trụ của Ấn Độ lần đầu lên quỹ đạo sao Hỏa
Ngày 24/9, tàu thăm dò Mangalyaan đã đến quỹ đạo sao Hỏa. Được Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ đánh giá là thành công, sự kiến này đánh dấu nỗ lực của Ấn Độ trong hành trình nghiên cứu hành tinh đỏ.
![]() |
Tàu Mangalyaan đã vào quỹ đạo sao Hỏa hôm nay sau khi được phóng lên hồi tháng 11/2013. Ảnh: BBC |
Sau khi được phóng đi từ căn cứ không gian Sriharikota, nằm bên vịnh Bengal ngày 5/11/2013, tàu thăm dò này đã tiếp cận và chuyển động theo lực hấp dẫn của sao Hỏa sau 10 tháng hành trình. Con tàu này có nhiệm vụ ghi lại hình ảnh cũng như thu thập dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng quay quanh sao Hỏa. Dữ liệu được truyền về trái đất sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu hành tinh này, tìm kiếm khí methane trong không khí cũng như nguồn nước có thể từng tồn tại ở đây.
Là một quốc gia đông dân nhưng không thật giàu có, sự thành công của Ấn Độ được nhiều chuyên gia đánh giá là “đáng kinh ngạc”. Đáng ngạc nhiên hơn, dự án này chỉ được đầu tư 74 triệu USD, bằng 1/10 chương trình đưa vệ tinh Maven của Mỹ lên sao Hỏa vào ngày 21/9.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói đùa rằng số tiền đầu tư này còn thấp hơn so với bộ phim Cuộc chiến không trọng lực (Gravity) của Mỹ. Dù được đơn giản hóa về độ phức tạp, sự kiện này đã tạo hứng khởi cho các quốc gia khác trên thế giới trong nghiên cứu không gian.
Robot thăm dò lần đầu tiên đáp xuống sao chổi
Ngày 12/11, tàu thăm dò Rosetta của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.
![]() |
Hình ảnh đầu tiên khi robot hạ cánh. Ảnh: AP |
Mang theo robot Philae, tàu Rosetta đã di chuyển trên quãng đường 10 tỷ km từ cách đây 10 năm để tiếp cận sao chổi này. Ngày 12/11, robot Philae tách khỏi tàu và hạ cánh tự do vào đúng quỹ đạo của sao chổi.
Chương trình này đã tạo cột mốc đáng nhớ trong lịch sử khi lần đầu tiên đưa robot tiếp cận được bè mặt sao chổi. Nếu neo đậu thành công, robot này sẽ góp phần mở ra cơ hội khám phá về lịch sử hình thành hệ Mặt Trời cũng như trả lời câu hỏi liệu chúng ta có cô đơn trong vũ trụ hay không.
Giải vô địch bóng đá thế giới 2014
Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 20 (World Cup 2014) đã được tổ chức thành công tại Brasil. Đây là lần thứ 2 giải được tổ chức tại “cường quốc” hàng đầu thế giới về bóng đá này.
![]() |
Chiến thắng ở Maracana hôm qua giúp Đức đạt danh hiệu vô địch thế giới. Ảnh: Reuters |
Là một sự kiện “số 1 hành tinh” với chi phí tổ chức lên tới 14 tỷ USD, World Cup 2014 đã thu hút được tới 80% cư dân toàn cầu. Trung bình mỗi trận đấu sẽ có khoảng 100 triệu người xem và theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Riêng trận chung kết sẽ có khoảng trên 1 tỷ người theo dõi qua truyền hình.
Trước năm 2014, chưa một đội bóng châu Âu nào có thể mang cúp về lục địa già khi giải được tổ chức tại châu Mỹ. Nhưng với chiến thắng 1-0 bằng bàn thắng duy nhất của Mario Götze ở phút thứ 113 của hiệp phụ thứ 2 vào lưới đội tuyển Argentina, đội tuyển Đức đã giành chức vô địch thứ 4 trong lịch sử và là đội bóng châu Âu đầu tiên giành cúp tại châu Mỹ.
Game di động Flappy Bird
Một sự kiện khá thú vị và có phần đáng tự hào là Flappy Bird, trò chơi trên điện thoại di động của một thanh niên Việt Nam tên là Nguyễn Hà Đông đã được Google lựa chọn là một trong những chủ đề được quan tâm nhiều nhất trên toàn cầu năm qua để đưa vào logo chào năm mới của mình.
![]() |
Trò chơi Flappy Bird. |
Là một trò chơi trên điện thoại di động với giao diện khá đơn giản, Flappy Bird được biết tới như một sự kiện trên mạng internet toàn cầu năm qua bởi lượng tải về kỷ lục kèm với bao lời đồn thổi, đánh giá trái chiều từ báo chí và cộng đồng. Nhưng điều không thể phủ nhận là Flappy Bird khiến người chơi có những phút giây giải trí vui vẻ và đầy phấn khích. Để tránh những áp lực cho bản thân cũng như mong muốn giúp cộng đồng không bị "gây nghiện", lập trình viên này đã xóa bỏ vĩnh viễn sản phẩm này.
Ngoài thu nhập lớn và sự nổi tiếng cho người lập trình viên trẻ tuổi này, trò chơi còn giúp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Hơn nữa, đó còn là “liều thuốc kích thích” để các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong việc phát triển các ứng dụng, chinh phục người dùng thế giới.
Trò chơi đã được gỡ bỏ, nhưng câu chuyện về phát triển công nghệ thông tin của nước nhà, hỗ trợ khởi nghiệp cũng như hành xử của cộng đồng đối với thành công của người trẻ tuổi vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm.
Và thử thách dội nước đá
Câu chuyện về thách thức dội nước đá lên đầu lan nhanh trên thế giới với sự tham gia của nhiều người nổi tiếng như cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Nhiều người nổi tiếng đã tham gia thách thức này trong đó có tỷ phú Bill Gates hay nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Trước đó, Tổng thống Barack Obama từ chối màn đổ nước đá và quyên góp cho quỹ.
![]() |
Bill Gates tham gia thách thử đổ nước đá. |
Tuy có vẻ khá buồn cười, nhưng thách thức này đã giúp quỹ ALS quyên góp được 22,9 triệu USD kể từ ngày 29/7. Hơn nữa, đây cũng là một minh họa rõ nét cho một phương thức tiếp thị kiểu mới.
Thay vì chỉ là những lời hô hào sáo rỗng trên mạng Internet, thách thức này góp phần hiện thực hóa những lời kêu gọi, những sự “khoe mẽ” mang tính cá nhân. Với sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng, từ giới chính trị tới giải trí, quỹ này đã quyên góp được một lượng tiền mặt lớn giúp thế giới “ảo” có những hành động thiết thực hơn.
Công Việt