Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 19/9, tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, thời gian qua, trước những biến động và khủng hoảng sâu sắc của tình hình kinh tế, chính trị, thế giới và khu vực, nhằm góp phần thúc đẩy và tận dụng các cơ hội mới, phát triển của đất nước, với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự tập trung tổng lực và quyết tâm cao của Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan đại diện, công tác ngoại giao kinh tế được đặc biệt chú trọng và triển khai quyết liệt.
Với mục tiêu "tạo lập và giữ vững môi trường, hoà bình, ổn định", "huy động từ các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước" và "nâng cao vị thế và uy tín của đất từ nước"; cùng với phương châm "bám sát nhu cầu, thực tiễn của đất nước và trọng tâm điều hành của Chính phủ", "lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trên cơ sở lấy hiệu quả, thực chất là tiêu chí hàng đầu" và trên cơ sở phù hợp với thế mạnh của các đối tác, địa bàn, công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, thứ nhất, nhằm bảo đảm tính cập nhật và thực tiễn của chủ trương, chính sách, đáp ứng tình hình và yêu cầu mới, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 12 năm thực hiện Chỉ thị 41. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các định hướng lớn, Bộ Ngoại giao đã tổng hợp, xây dựng và trình Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.
Đây là Chỉ thị có tầm chiến lược, định hình tư duy, định hướng và các nhiệm vụ trọng tâm của công chỉ tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới.
Thứ hai, xác định và triển khai quyết liệt, hiệu quả các trọng tâm, trọng điểm của công tác ngoại giao kinh tế, bám sát nhu cầu, thực tiễn của đất nước và trọng tâm điều hành của Chính phủ.
Từ trọng tâm là ngoại giao vaccine, ngoại giao y tế trong năm 2020, 2021, đến năm 2022, ngoại giao kinh tế đã chuyển nhanh sang phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế, đóng góp giảm thiểu các tác động của tình hình quốc tế hết sức phức tạp đến môi trường an ninh và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy, làm sâu sắc quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và tháo gỡ vướng mắc trong hợp tác với các đối tác cả về chiều sâu và chiều rộng với các đối tác chủ chốt thông qua các hoạt động đối ngoại cấp cao. Nổi bật là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng đạt 25 thỏa thuận hợp tác; thúc đẩy mở rộng thị trường vào EU, tận dụng Hiệp định EVFTA; thu hút đầu tư...
Hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm và gặp khó khăn, các địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là nông sản, quảng bá du lịch, hợp tác lao động, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững....
"Điển hình như hỗ trợ các địa phương tổ chức khoảng 70 hoạt động kết nối với các đối tác quốc tế và ký kết 40 văn bản hợp tác quốc tế; phối hợp các Bộ, ngành tổ chức nhiều hoạt động gắn với nhu cầu trong nước như Hội nghị mở cửa du lịch vào đúng ngày 15/3/2022, các Hội nghị xúc tiến nông sản, hợp tác về mở rộng thị trường Halal, xây dựng chiến lược xuất khẩu nông sản vào thị trường EU, tham gia đàm phán Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các nước G7, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi xanh...", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho hay.
Trong bối cảnh mở cửa kinh tế, các cơ quan đại diện Việt Nam cũng đã chủ động tổ chức hàng trăm hoạt động trong 8 tháng qua nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước ...
Thứ ba, công tác nghiên cứu, tham mưu, tư vấn chính sách kinh tế được triển khai chủ động, kịp thời trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn năm 2021.
Ngoài ra ngành ngoại giao cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành kịp thời kiến nghị Bộ Chính trị chủ trương của ta đối với nhiều vấn đề mới, sáng kiến mới, bảo đảm cân bằng, hài hòa với các đối tác lớn và phù hợp với công tác ngoại giao kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao, để công tác ngoại giao kinh tế phát triển hơn nữa nhằm phục vụ phát triển đất nước, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề xuất nhanh chóng quán triệt, cụ thể hóa các tư tưởng chỉ đạo và nội dung Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế tới từng cơ sở đảng các cấp ở trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch hành động của Chính phủ ngay trong Quý IV/2022; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động triển khai Chỉ thị.
Bên cạnh đó, đưa hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong các hoạt động ngoại giao cấp cao và các cấp nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn, các điểm nghẽn để hợp tác kinh tế với các đối tác thực sự đi vào chiều sâu. Đặc biệt, hợp tác kinh tế cần trở thành nội dung cốt lõi trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Các điểm nghẽn trong dự án hợp tác với các đối tác chủ chốt cần được khai thông sớm trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các đối tác.
Tập trung hỗ trợ thu hút đầu tư chất lượng cao, thu hút nguồn lực quốc tế trong các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng mới. Thúc đẩy ngoại giao tập đoàn ở cấp cao và các cấp; thu hút tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư, chuyển giao công nghệ; tranh thủ kịp thời xu thế chuyển dịch chuỗi, nhất là trong phân khúc có giá trị cao; thu hút nguồn lực thực hiện các cam kết của ta tại COP26; thúc đẩy hình thành các khuôn khổ hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, kinh tế số, đối tác năng lượng,..
Đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở bảo đảm - thực hiện nhất quán chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nhất là các hoạt động hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Mekong, WTO và theo sát các diễn biến hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực và toàn cầu... đề xuất chủ trương phù hợp trong tham gia các sáng kiến mới.
Phát huy mạng lưới Cơ quan đại diện, tăng cường tính kịp thời, nhạy bén, chất lượng và chuyên sâu của công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu, phục vụ thiết thực công tác điều hành của Chính phủ và các chiến lược lớn, nhất là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng…
Thùy Chi