Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cần có chương trình tổng thể tích hợp, cộng hưởng các chính sách, bao gồm các chương trình “cứu” DN và nâng năng lực cạnh tranh cho DN có tiềm năng. Ảnh:VGP |
Tại diễn đàn, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) Vũ Tiến Lộc cho rằng Việt Nam đã phát huy được vai trò ngân sách Nhà nước hỗ trợ DN và nền kinh tế, vừa bảo đảm cân đối vĩ mô sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 cũng như các rủi ro khác.
Để có thể hỗ trợ DN và nền kinh tế hiệu quả hơn nữa, đại diện VIAC mong muốn thời gian tới cần có chương trình tổng thể tích hợp, cộng hưởng các chính sách, bao gồm các chương trình “cứu” DN và nâng năng lực cạnh tranh cho DN có tiềm năng, trong đó có vai trò quan trọng của ngành tài chính.
Ông Phan Đức Hiếu (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) nêu thực tế DN đang rất khó khăn, trong đó, dòng tiền là khó khăn lớn nhất vì doanh thu giảm, hoạt động ngắt quãng trong khi chi phí lại tăng trong bối cảnh dịch bệnh.
Vì vậy theo ông Phan Đức Hiếu đối với DN, việc được tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, tiết kiệm thời gian là rất quan trọng. Các DN mong muốn được hỗ trợ trực tiếp với thủ tục nhanh nhất, ví dụ triển khai hoàn thuế giá trị gia tăng với thời gian nhanh nhất…
Ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã tham mưu, trình Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế để tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện, hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá công tác quản lý thuế nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, DN.
Để các chính sách thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, Tổng cục Thuế mong nhận được các phản hồi tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía Hải quan, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay thời gian qua, Tổng cục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục hải quan trong bối cảnh đại dịch.
Năm 2021, tất cả thủ tục hải quan cốt lõi hoàn toàn thực hiện tự động thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính… Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan thực hiện tích hợp 26 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia
Ông Mai Xuân Thành cho biết trong thời gian tới Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế, thực hiện hài hòa nhiệm vụ vừa tạo thuận lợi thương mại, đơn giản thủ tục hành chính… nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.