Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 55/2020/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí đào tạo lưu học sinh nước ngoài diện Hiệp định học tập tại Việt Nam, trong đó quy định rõ mức chi cho dạy tiếng Việt, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, chi sinh hoạt phí... cho các lưu học sinh này.
Thông tư này không áp dụng đối với lưu học sinh Lào, lưu học sinh Campuchia được cử sang học tập tại Việt Nam.
Nguồn kinh phí đào tạo lưu học sinh hiệp định từ ngân sách nhà nước (NSNN) (ngân sách chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thuộc ngân sách trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách) cấp cho các cơ sở giáo dục theo quy định của Luật NSNN; từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa…
Định mức chi như sau: Dạy tiếng Việt cho lưu học sinh để thi tuyển vào bậc đại học, sau đại học: 2.576.000 đồng/người/tháng; đào tạo đại học, sau đại học theo quy định của pháp luật về giáo dục - đào tạo: 2.576.000 đồng/người/tháng; các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn có thời gian đào tạo dưới 12 tháng: 5.485.000 đồng/người/tháng…
Định mức chi hỗ trợ trang cấp ban đầu như sau: Lưu học sinh đại học, sau đại học và lưu học sinh học tiếng Việt để thi tuyển vào học trình độ đại học, sau đại học là 4.480.000 đồng/người; lưu học sinh các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn có thời gian đào tạo dưới 12 tháng: 3.580.000 đồng/người…
Lưu học sinh được cấp sinh hoạt phí (học bổng) để hỗ trợ trang trải các chi phí sinh hoạt và học tập. Thời gian hưởng sinh hoạt phí 12 tháng/năm trong thời gian học tập chính thức tại Việt Nam.
Định mức chi phí sinh hoạt đối với: Lưu học sinh đại học là 3.630.000 đồng/người/tháng; đối với lưu học sinh sau đại học là 4.110.000 đồng/người/tháng; lưu học sinh các khóa đào tạo bồi dưỡng dưới 12 tháng là 4.820.000 đồng/người/tháng…
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 30/7/2020.
LP