Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự thảo quy định rõ về nội dung chi và mức chi đối với dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Đối với phát triển giáo dục nghề nghiệp: Hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện đào tạo; sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phụ trợ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.
Cụ thể, đối với sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình: Mức hỗ trợ tối đa bằng 30% vốn sự nghiệp thực hiện dự án theo quy định của cấp có thẩm quyền và không quá 07 tỷ đồng/trường, cơ sở.
Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 30 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Đối với đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 03 tháng: Điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo, nội dung và mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 152/2016/TT-BTC và Thông tư số 40/2019/TT-BTC.
Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng: Thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.
Dự thảo cũng đề xuất quy định cụ thể về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thứ nhất, đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Thứ hai, đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ đối với đối tượng thứ nhất.
Thứ ba, đối với người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 50% theo mức hỗ trợ đối với đối tượng thứ nhất.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Lan Phương