Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trong 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (GRDP) ước tăng 7,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,3%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,38% (công nghiệp tăng 8,52%, riêng công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước… tăng 6,1%); dịch vụ tăng 7,22%; thuế sản phẩm tăng 4,99%.
Về cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP cho thấy, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản là 16,5%; công nghiệp - xây dựng 46,28%; dịch vụ 32,41%; thuế sản phẩm 4,81%.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất, thực hiện tiến độ sản xuất bảo đảm trong khung thời vụ tốt nhất. Các chuỗi liên kết trong sản xuất trồng trọt ngày càng đang dạng và mở rộng quy mô; mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai đến các huyện, thành phố; công tác tiêu thụ sản phẩm đã có nhiều chuyển biến, một số sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu sang các thị trường như: Hà Lan, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được duy trì ổn định. Địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản. Công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được quan tâm thực hiện.
Hòa Bình cũng đã tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển bền vững rừng sản xuất; công tác phòng, chống cháy rừng được tăng cường; tỉ lệ che phủ rừng đạt 51,61%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024; bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa lũ; duy trì chế độ kiểm tra đê thường xuyên và kiểm tra đột xuất đối với các tuyến đê cấp III, cấp IV; công tác phòng chống lũ bão, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn được đặc biệt quan tâm. Các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong 9 tháng qua, có 2 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; đến nay toàn tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 62%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã, toàn tỉnh có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu, có 3 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các ngành khai khoáng và chế biến chế tạo trên địa bàn có mức tăng trưởng cao (ước đạt lần lượt là 25% và 15%) và ngành sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng. Sản lượng điện sản xuất 9 tháng đầu năm ước tính là 7.142,8 triệu KWh đạt 81,10% so với kế hoạch năm, tăng 8,6% so với cùng kỳ; điện thương phẩm ước tính là 1.081,8 triệu KWh đạt 78,39% so với kế hoạch năm, tăng 11,17% so với cùng kỳ.
Triển khai thực hiện Chương trình bình ổn thị trường cung cầu, giá cả hàng hoá trên địa bàn tỉnh, Hòa Bình đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 19,33% so với cùng kỳ, cụ thể: Dịch vụ khác tăng 31,27%; dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng 21,15%; bán lẻ hàng hóa tăng 15,07%.
Về kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.478 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, thực hiện 73,92% so Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.031 triệu USD, tăng 15,09 % so với cùng kỳ, thực hiện 74,93% so Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024.
Về phát triển du lịch, toàn tỉnh ước đón 3,6 triệu lượt khách, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế ước đạt 380 nghìn lượt, khách nội địa ước đạt 3.220 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.700 tỉ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 80,4% kế hoạch năm.
Về lao động việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm. Tổng kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát 9 tháng đầu năm 2024 là 37.020 triệu đồng cho 601 nhà xây mới và 257 nhà sửa chữa. Thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; ước đến 30/9/2024, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế là 831.843 người trên tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,02%.
Để đạt được những kết quả đó các ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh nhằm triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo những dấu ấn nổi bật trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Ngay từ đâu năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều chính sách khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, cũng như tăng cường đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đây nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào hệ thống thủy lợi, đường giao thông nông thôn đã giúp cho việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, công tác định hướng đa dạng hóa các sản phẩm được trú trọng, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ sản phẩm, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giúp nông sản Hòa Bình tìm được đầu ra ổn định, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản như gạo nếp, rau củ quả, các sản phẩm OCOP.
Sự ổn định trong sản xuất nông lâm thủy sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, và góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Hòa Bình.
Trong những tháng cuối năm 2024, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước; thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như hoàn thành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tiến độ giải ngân tại các mốc thời gian theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành.
Ngoài ra, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu đạt kết quả cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2024.
Tỉnh Hòa Bình cũng đặt trọng tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp, biện pháp quản lý thu, chống thất thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.
Thùy Chi