• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hỏa hoạn làm 50 người chết, thiêu rụi trên 1.300 tỉ đồng

(Chinhphu.vn) - Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 2.240 vụ cháy, làm chết 50 người, bị thương 202 người, gây thiệt hại về tài sản trên 1.300 tỉ đồng.

04/10/2015 16:03
Thiệt hại do những vụ cháy lớn gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Trong những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), số vụ cháy lớn tuy chỉ chiếm trên 1% tổng số vụ cháy trong toàn quốc, nhưng thiệt hại do những vụ cháy này gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, chiếm trên 80% tổng số thiệt hại do cháy gây ra về vật chất, thậm chí có năm chiếm tới trên 90%.

Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2015, trên cả nước đã xảy ra 2.240 vụ cháy, làm chết 50 người, bị thương 202 người, gây thiệt hại về tài sản trên 1.300 tỉ đồng, trong đó, cháy lớn xảy ra 25 vụ (chiếm 1,2%) làm chết 1 người, gây thiệt hại về tài sản trên 1.100 tỉ đồng (chiếm 84,6%).

Tuy nhiên, đó mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, thiệt hại gián tiếp còn lớn hơn gấp nhiều lần và ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, môi trường xung quanh.

Điển hình như: vụ cháy Công ty may Hà Phong tỉnh Bắc Giang ngày 6/4/2013 làm hàng nghìn công nhân không có việc làm, không có thu nhập; vụ cháy Trung tâm Thương mại tỉnh Hải Dương ngày 15/9/2013 và vụ cháy chợ Phố Hiến tỉnh Hưng Yên ngày 19/3/2014 tuy không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 550 tỉ đồng, làm cho hàng trăm hộ tiểu thương rơi vào cảnh trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần; vụ cháy ngày 30/12/2014 tại 8 nhà dân trên đường Trần Quốc Thảo, phường 7, Quận 3, TPHCM làm nhiều người lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất; gần đây nhất là vụ cháy ngày 25/6/2015 tại Nhà xưởng sản xuất Công ty TNHH bao bì Việt Long, địa chỉ: Đường số 2  KCN Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai thiêu rụi 27.000 m2 nhà xưởng cùng toàn bộ tài sản bên trong làm hàng nghìn công nhân mất việc làm...

Lỗi chủ yếu do con người

Qua đánh giá tình hình, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết, cháy lớn xảy ra phần lớn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, tập trung ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, chợ, trung tâm thương mại, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng dễ cháy, nổ và các tỉnh có nhiều khu dân cư tập trung nhiều nhà làm bằng vật liệu dễ cháy.

Đáng chú ý, hầu hết các vụ cháy lớn đều xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ làm việc, là thời điểm cơ sở ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ có lực lượng bảo vệ thường trực với số lượng ít nên không phát hiện cháy kịp thời và chữa cháy không hiệu quả.

Nguyên nhân để xảy ra cháy và dẫn đến cháy lớn chủ yếu là do một bộ phận người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chưa nhận thức hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, còn chủ quan, thiếu quan tâm đến việc chỉ đạo, đầu tư, quản lý và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn PCCC tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình; không thường xuyên tổ chức kiểm tra khắc phục kịp thời những tồn tại, thiếu sót về PCCC dẫn đến tình trạng mất an toàn về PCCC kéo dài, phát sinh nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa cao, còn chủ quan, thiếu ý thức trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị điện trong sinh hoạt gây mất an toàn về PCCC cho chính gia đình mình và các hộ xung quanh.

Tình trạng vi phạm an toàn PCCC còn phổ biến

Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp có nhiều nguy cơ cháy nổ tình trạng vi phạm các quy định về an toàn PCCC còn phổ biến. Nhiều cơ sở không tổ chức thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về an toàn PCCC ngay từ khâu lập dự án, thiết kế, thi công công trình, nhất là các yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC, các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, trang bị hệ thống PCCC và các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy.

Hầu hết các công trình nhà kho, nhà xưởng sản xuất đều xây dựng bằng kết cấu khung thép, mái tôn có khả năng chịu lực, chịu nhiệt kém với diện tích rộng hàng nghìn mét vuông, thậm chí có nhà xưởng có diện tích rộng hàng chục nghìn mét vuông, nhưng không có giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, chống sụp đổ cho nhà và công trình, nên khi xảy ra sự cố chỉ trong thười gian ngắn là sụp đổ hoàn toàn gây khó khăn cho công tác chữa cháy.

Nhiều cơ sở trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đã tự ý thay đổi công năng sử dụng của công trình hoặc tự ý thay đổi thiết kế, cải tạo, cơi nới mở rộng diện tích sử dụng, lấn chiếm giao thông nội bộ; tự ý lợp mái che, mái vẩy trong khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình nhà kho, nhà xưởng để tận dụng làm kho chứa hàng; bố trí vật tư, hàng hóa không đảm bảo an toàn PCCC và vượt quá tải trọng cho phép so với thiết kế ban đầu; không bố trí lực lượng thường trực, tuần tra, canh gác hoặc có bố trí nhưng số lượng ít nên không kịp thời phát hiện và xử lý được sự cố cháy nổ ngay từ khi mới phát sinh, dẫn đến cháy lớn.

Tại các chợ, trung tâm thương mại, tình trạng các hộ kinh doanh tự ý cơi nới diện tích sử dụng lấn chiếm hành lang, lối thoát nạn, làm mái che, mái vẩy lấn chiếm khoảng không giao thông trong và ngoài chợ bằng những vật liệu dễ cháy và tự ý câu móc, lắp thêm các dây dẫn, thiết bị tiêu thụ điện ngoài thiết kế, vi phạm các quy định về an toàn PCCC còn phổ biến. Tình trạng các hộ tiểu thương tự ý chia nhỏ các sạp hàng hợp đồng chuyển nhượng kinh doanh, làm tăng số lượng người tham gia kinh doanh và gia tăng số lượng chất cháy so với thiết kế ban đầu nhưng các cơ quan chức năng quản lý không tiến hành xử lý, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy lan, cháy lớn khi có sự cố xảy ra.

Việc tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ ở các chợ và trung tâm thương mại còn nhiều bất cập, không đảm bảo về số lượng và chất lượng và yêu cầu công tác PCCC đặt ra. Nhiều chợ bố trí lực lượng thường trực làm công tác này còn rất ít, nhất là vào ban đêm.

Qua một số vụ cháy lớn cho thấy lực lượng này không làm tròn hết trách nhiệm của mình trong ca trực, không tổ chức tuần tra kiểm soát nên không phát hiện kịp thời sự cố cháy xảy ra ngay từ ban đầu đến khi người dân phát hiện báo hoặc đám cháy đã phát triển quá lớn mới phát hiện được thì lại vượt quá khả năng xử lý dẫn đến cháy lớn. Điển hình là vụ cháy xảy ra ngày 15/9/2013 tại Trung tâm Thương mại Hải Dương, tổ bảo vệ trực không tổ chức tuần tra canh gác nên không kịp thời phát hiện cháy để cứu chữa, dẫn đến cháy lớn thiêu hủy toàn bộ Trung tâm, gây hậu quả nghiêm trọng làm 536 hộ kinh doanh mất sạch tài sản rơi vào cảnh nợ nần chỉ sau một đêm. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan đến vụ cháy về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy còn thiếu quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống giao thông nhỏ hẹp không bảo đảm cho xe chữa cháy hoạt động. Nhiều nơi người dân xây dựng các barie, cọc, ụ bê tông chắn đường hoặc để vật liệu, làm mái che, mái vẩy cản trở hoạt động của lực lượng, phương tiện chữa cháy; tình trạng câu móc đường dây điện ngang đường còn phổ biến không đảm bảo chiều cao thông thủy cho xe chữa cháy hoạt động; đội dân phòng hoạt động kém hiệu quả, không có quy chế hoạt động rõ ràng, thiếu phương tiện chữa cháy, nguồn nước chữa cháy không đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn

Để chủ động phòng ngừa ngăn chặn cháy lớn, hạn chế đến mức thấp nhất cả về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra, người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình cần phải ý thức rõ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC; phải thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu nắm chắc nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong công tác PCCC. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức, pháp luật về PCCC bằng nhiều biện pháp nội dung, phong phú nhằm tác động mạnh mẽ vào nhận thức của người đứng đầu cơ sở và quần chúng nhân dân trong việc chấp hành và thực thi pháp luật về PCCC, chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả các, biện pháp, giải pháp phòng ngừa làm triệt tiêu các điều kiện, nguyên nhân dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Đối với các cơ sở có nhiều nguy hiểm cháy, nổ có nguy cơ cao dẫn đến cháy lớn phải bảo đảm thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện chống cháy lan, cháy lớn trong kiến trúc, kết cấu xây dựng công trình và bố trí mặt bằng, dây chuyền công nghệ. Phải đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC giữa các công trình, các hạng mục công trình theo quy định, xây dựng tường ngăn cháy, làm màn nước ngăn cháy, tạo khoang ngăn cháy trong các công trình, nhà xưởng; lắp đặt hệ thống chữa cháy báo cháy và chữa cháy tự động; giảm tải trọng chất cháy trong trong quá trình hoạt động.

Sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy để làm trần nhà, lớp chống nóng, lớp bảo ôn cách nhiệt cho hệ thống điều hoà, đường ống công nghệ… trường hợp nhất thiết phải sử dụng loại vật liệu dễ cháy thì phải có các biện pháp xử lý chống cháy cho các vật liệu đó như sử dụng sơn chống cháy hoặc ngâm tẩm chất chống cháy, làm vách ngăn chống cháy lan trên hệ thống trần, hệ thống đường ống công nghệ; làm khoang trần nhà bằng vật liệu không cháy xen kẽ các khoang trần bằng vật liệu dễ cháy.

Các công trình nhà xưởng làm bằng khung thép, mái tôn, phải có giải pháp tăng khả năng chịu nhiệt của các kết cấu chịu lực để chống sụp đổ cho nhà, công trình như bảo vệ bằng lớp cách nhiệt hoặc sử dụng hệ thống làm mát bằng nước, xây tường ngăn cháy.

Không được bố trí các kho chứa nguyên vật liệu, thành phẩm, hàng hóa trong các nhà xưởng sản xuất hoặc gần các khu vực có phát sinh nguồn nhiệt, tia lửa. Không tự ý cơi nới diện tích sử dụng, xây dựng công trình, làm mái che, mái vẩy hoặc xếp hàng hóa vi phạm khoảng cách an toàn về PCCC.Không sắp xếp hàng hóa, nguyên vật liệu vượt quá tải trọng thiết kế cho phép trong nhà kho, nhà xưởng trong 1 ca sản xuất. Thường xuyên rà soát, củng cố, bổ sung phương án chữa cháy phù hợp với tình hình thực tế, cần bố trí tăng cường lực lượng thường trực và tổ chức thực tập phương án chữa cháy vào thời gian ngoài giờ làm việc và ban đêm để chủ động sẵn sàng xử lý có hiệu quả mọi tình huống cháy nổ xảy ra.

Tại các chợ, trung tâm thương mại cần bố trí xen kẽ các mặt hàng dễ cháy với các mặt hàng không cháy, khó cháy; không để tình trạng các hộ kinh doanh tự ý cơi nới diện tích công trình, làm mái che, mái vẩy, xếp hàng hóa vi phạm khoảng cách an toàn PCCC.

Người đứng đầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ trung tâm thương mại phải thường xuyên, định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở mình để kịp thời phát hiện và khắc phục những sơ hở, vi phạm về PCCC là những nguyên nhân và điều kiện có thể dẫn đến cháy lan, cháy lớn; tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC. Bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, canh gác vào các thời điểm ngoài giờ làm việc, thời gian cao điểm về sản xuất, kinh doanh và ngày lễ.

Tại các khu dân cư tập trung nhiều nhà dễ cháy, chính quyền các cấp phải có kế hoạch chuyển hóa dần nhà dễ cháy thành nhà khó cháy, xây dựng nhà khó cháy xen lẫn nhằm tạo khoảng cách chống cháy lan; trang bị phương tiện chữa cháy ban đầu và tổ chức hướng dẫn cho các đội viên dân phòng biết cách sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị. Đối với các khu vực có các nguồn nước tự nhiên phải xây dựng các bến lấy nước, hố ga lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy ở khu dân cư.

Tại các khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu công nghiệp phải đảm bảo các điều kiện về giao thông và bên ngoài cho việc tổ chức chữa cháy; bố trí và duy trì nguồn nước phục vụ chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy theo quy định.

Để làm giảm thiểu các điều kiện, nguyên nhân dẫn đến cháy lớn nêu trên thì các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC cũng cần phải đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiên quyết xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm các quy định, quy trình PCCC; làm rõ trách nhiệm cá nhân và đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định PCCC gây hậu quả nghiêm trọng để phòng ngừa, răn đe trong toàn xã hội.

Bình Dương