Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công bố "Hoài Đức phủ toàn đồ" - Ảnh: Chinhphu.vn |
Ngày 24/9, Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã chính thức công bố bản đồ Hà Nội 1831 Hoài Đức phủ toàn đồ, cho đến nay là bản đồ sớm nhất về Hà Nội còn lại. Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tá Nhí- chuyên gia nghiên cứu văn bản Nôm về góc độ văn bản học của tấm bản đồ này.
PGS.TS Nguyễn Tá Nhí cho biết : Hiện trong kho sách của Viện Thông tin Khoa học xã hội đang lưu giữ một tấm bản đồ có niên đại xuất hiện xác định là năm 1831, ký hiệu A2.3.320. Ở phần khung chú giải ở góc cuối bên trái tấm bản đồ có ghi hàng chữ Hoài Đức phủ toàn đồ, tỉ lệ 1/500 trượng.
Đây là tấm bản đồ có kích cỡ khá lớn 175 x 190cm, các địa danh ghi trong văn bản hoàn toàn dùng chữ Hán, chữ Nôm. Khổ chữ rất nhỏ, trung bình là 1mm, lối chữ chân phương dễ đọc. Thế nhưng do cách trình bày của bản đồ nên các chữ Hán phải bố trí viết thuận theo chiều đường đi, sông chảy, phố phường, đền miếu, bến trạm... Vì thế, khi đọc phải xoay dọc xoay ngang theo chiều chữ viết mới nhận biết được. Thêm vào đó tấm bản đồ có niên đại xuất hiện sớm, nên có nhiều chỗ chữ bị mờ, bị ép vào các nếp gấp cũng gây cản trở rất nhiều cho việc đọc văn bản.
Khi được tiếp xúc với văn bản, các chuyên gia đều thống nhất đánh giá, đây là tấm bản đồ cổ ghi lại toàn cảnh Phủ Hoài Đức thời bấy giờ, sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý giá để chúng ta tìm hiểu nghiên cứu về vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến này. Sau thời gian dài tham gia tìm hiểu nghiên cứu và dịch toàn bộ các chữ Hán chữ Nôm ghi trong văn bản, chúng tôi cũng có cùng quan điểm như vậy.
Điều đáng nói là bản đồ toàn cảnh Phủ Hoài Đức đã ghi lại toàn bộ 17 cửa ô vùng thành Đại La, chỉ rõ vị trí của từng cửa ô trong bản đồ. Đó là các cửa ô: Kim Hoa, Yên Thọ, Thanh Lãng, Nhân Hòa, Tây Long, Đông Yên, Mỹ Lộc, Trừng Thanh, Đông Hà, Phúc Lâm, Thạch Khối, Yên Tĩnh, Yên Hoa, Tây Hồ, Vạn Bảo, Thịnh Quang và Hàm Long.
Tác giả tấm bản đồ cũng đã tiến hành đo chiều dài vòng thành Đại La chạy qua các cửa ô. Vòng thành có chu vi là 28 dặm 77 trượng 4 thước, gần bằng 15 km. Trong đó tác giả cũng đo độ dài từ cửa ô nọ đến cửa ô kia, chẳng hạn từ cửa ô Kim Hoa đến cửa ô Yên Thọ là 1 dặm 130 trượng.
Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1749), Chúa Trịnh Doanh cho đắp lại thành Đại La vốn đã bị san phẳng sau khi đánh nhau với nhà Mạc. Nhân dân ở tứ trấn lại được điều động về đắp lũy đất vây quanh thành Thăng Long, dựa theo quy mô lũy đất thời Mạc. Sau khi đắp xong, Chúa liền cho mở 8 cửa để giao tiếp với các trấn bên ngoài. Đồng thời triều đình cho mở cửa phụ ở hai bên tả hữu gọi là Ô. Song, cho đến nay, nhìn chung tất cả các thư tịch Hán Nôm đều không thấy có tư liệu nào nêu đầy đủ tên gọi các cửa ô ở kinh thành Thăng Long. Chỉ có tư liệu của Hoài Đức Phủ toàn đồ mới ghi rõ đủ 17 cửa ô. Chính vì thế, thông tin về các cửa ô mà nó đem đến vô cùng hữu ích.
Do giá trị cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm về vùng đất Thăng Long thời cổ, nên tấm bản đồ đã được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Tuy xác định là hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến hoàn thành vào ngày 15 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 12, tức ngày mồng 4 tháng 7 năm 1831, nghĩa là các tác giả đã hoàn thành vào trước khi thành lập tỉnh Hà Nội, thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng tấm bản đồ này được vẽ ra ngay sau khi tỉnh Hà Nội được thành lập.
Tiếp xúc với văn bản, chúng tôi thấy nhiều địa danh trong bản đồ cho thấy lúc vẽ bản đồ chưa có tỉnh Hà Nội, như trấn Sơn Nam, trấn Sơn Tây, huyện Từ Liêm thuộc Phủ Quốc Oai. Hơn nữa trong tấm bản đồ này chỉ giới thiệu Phủ Hoài Đức gồm hai huyện là Vĩnh Thuận và Thọ Xương cai quản 13 tổng 247 phường, xã, thôn, trại. Trong khi đó, sử liệu cho thấy, lúc thành lập tỉnh Hà Nội thì Phủ Hoài Đức được mở rộng là kiêm quản thêm huyện Từ Liêm tách từ phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, đồng thời lỵ sở của Phủ chuyển từ huyện Vĩnh Thuận sang đặt tại xã Mai Dịch của huyện Từ Liêm. Những chứng cứ lịch sử nêu trên cho thấy tấm bản đồ toàn cảnh Phủ Hoài Đức được vẽ ra trước khi lập tỉnh Hà Nội.
Điều làm nhiều người cho đây chính là bản đồ sau khi vua Minh Mệnh thành lập tỉnh Hà Nội là trong bản đồ có đến mười lần nhắc đến địa danh Hà Nội. Song thực chất, đây chỉ là một phần của tỉnh Hà Nội mà thôi. Còn tỉnh Hà Nội mới thành lập năm 1831 bao gồm 4 phủ là: Hoài Đức, Thường Tín, Lý Nhân và Ứng Thiên.
Bản đồ cho biết khá chính xác cự ly các cửa ô, do vậy khi xác định được vị trí một cửa ô rồi, chúng ta sẽ có đủ điều kiện để xác định vị trí của các cửa ô còn lại. Chẳng hạn như từ cửa ô Đông Hà, chúng ta có thể đo cự ly để tìm ra các cửa ô khác.
Đây là tấm bản đồ duy nhất, không có bản sao. Với giá trị đặc biệt của tấm bản đồ toàn cảnh Phủ Hoài Đức, trân trọng đề nghị các cấp lãnh đạo Viện Thông tin khoa học xã hội và Viện Khoa học xã hội Việt Nam tiến hành giám định xem xét và cho công bố rộng rãi.
Phương Hạnh (thực hiện)