Trở về quê sau nhiều năm xa cách, tôi không khỏi bồi hồi khi đứng bên dòng sông Đáy xanh trong, thơ mộng ngày nào, giờ đây, thay vào đó là dòng nước đen ngòm, đủ các mùi ô nhiễm bốc lên.
1.Sông Đáy bắt nguồn từ địa bàn Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định. Hơn chục năm nay, dòng sông chứa bao nước thải chất thải làm cho nước sông đen ngòm...
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đáy kể: Trước đây, bến Lội (người dân tự đặt vì khúc sông này có thể lội qua) - đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn huyện Mỹ Đức (Hà Nội), trong những năm kháng chiến chống Pháp đã diễn ra một trận đánh lừng lẫy. Đó là trận bộ đội kết hợp với du kích địa phương phục kích và tiêu diệt một tiểu đoàn lính Pháp. Chúng hành quân từ Miếu Môn và vượt sông Đáy ở khúc sông cạn gọi là bến Lội ấy. Nhiều năm trước, một nhóm chuyên gia lịch sử quân sự đã về bến Lội để xem lại địa danh ấy trước khi quyết định xây một đài kỷ niệm chiến thắng. Nhưng rồi nhóm chuyên gia không trở lại nữa. Làng ven sông ấy đợi mãi...
Bây giờ bến Lội không thể lội qua được nữa. Nhiều năm nay, người ta bắt đầu khai thác cát. Những chiếc sà lan hút cát suốt ngày đêm. Bến Lội bây giờ sâu thăm thẳm. Nhưng ở những đoạn sông khác lại cạn như ruộng. Do đời sống khó khăn, người ta đã thả rau muống bè ở sông Đáy. Thế là cứ năm này qua năm khác, những bè rau muống khổng lồ kín cả mặt sông như hút cạn nước con sông. Đoạn sông này trở thành những ruộng rau muống, trông thấy mà buồn. Bên dòng sông "rau muống", nhiều người đã không kìm được lòng mình khẽ thốt lên: "Sông Đáy chết rồi".
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông Nguyễn Văn Hiếu ở Lam Điền, Chương Mỹ, Hà Nội đã một đời sống với dòng sông Đáy, nhìn con sông đầy tiếc nuối: "Suốt dọc đoạn sông, từ Phùng về đến quãng này, xưa có đến cả chục xóm chài, đều sống bởi con tôm, con cá của dòng sông Đáy. Cá sông Đáy trước đây nhiều vô kể, nhiều loài đặc sản như cá măng, cá nheo, cá bè the... Bây giờ thì chẳng còn gì!" Ô nhiễm nguồn nước trên sông đã giết chết những xóm chài dọc đôi bờ sông Đáy.
2. "Thủ phạm" giết dần sông Đáy có nhiều song không thể không kể đến những làng nghề, "xóm thùng phuy" ở phía cầu Mai Lĩnh đang hàng ngày hàng giờ đổ nước thải ra sông khiến cho chất lượng nước sông ngày càng ô nhiễm trầm trọng.
Tại làng nghề thuộc các xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (nằm gần thượng nguồn sông Đáy) thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội chuyên sản xuất, chế biến tinh bột, miến, bún khô, mạch nha... nguồn nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp vào con sông này. Xã Dương Liễu có tới hơn 2600 hộ, chiếm tới 70% số hộ tham gia sản xuất chế biến nông sản. Mỗi ngày, hàng trăm tấn bã thải, hàng chục nghìn mét khối nước thải của làng nghề chưa qua xử lý, đã được tự do xả vào hệ thống kênh rồi theo đó đổ ra sông Đáy. Khu xử lý chất thải của làng nghề tại Dương Liễu được đầu tư xây dựng từ năm 1994. Đến nay, giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh quản lý nhưng không phát huy hiệu quả và cũng không khắc phục được tình trạng ô nhiễm do công suất quá nhỏ so với thực tế.
Bởi thế, hầu hết nước thải và chất thải của các hộ dân sản xuất tại Dương Liễu và 2 xã lân cận là Cát Quế và Minh Khai vẫn đổ thẳng ra môi trường. Con sông cứ oằn mình gánh chịu ô nhiễm suốt mấy chục năm qua. Dòng sông trở nên đen kịt không còn sử dụng được vào mục đích nào khác, kể cả dùng làm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
Từ Hoài Đức xuôi dòng về Chương Mỹ rồi qua Mỹ Đức, nhiều làng nghề "điếc không sợ súng", dù đã bị xử phạt về việc xả nước thải độc hại ra môi trường nhưng rồi vẫn "đâu vào đấy", tiếp tục đầu độc dòng sông Đáy. Và, đến nay, "xóm thùng phuy" vẫn chưa được giải tán, còn các cơ sở tẩy, nhuộm, hấp tại Phùng Xá thì vẫn ngày đêm rỉ rả chảy ra sông.
Hàng ngày, hàng nghìn mét khối nước thải chứa các loại hóa chất từ tẩy, nhuộm, hấp như: javen, NaOH... của các cơ sở sản xuất xã Phùng Xá chưa được xử lý xả thẳng vào sông Đáy.
 | Rác thải tràn lan bên sông Đáy | |
3. Kết quả phân tích, đánh giá số liệu quan trắc chất lượng nước sông tại 22 điểm trên toàn bộ lưu vực sông Đáy Cục Quản lý Tài nguyên nước cho thấy, hầu như không một đoạn sông chính nào có chất lượng đạt tiêu chuẩn B1, tiêu chuẩn nước sử dụng cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp.
Kết quả của Tổng cục Môi trường cho biết, từ quận Hà Đông (Hà Nội), nước sông Đáy chủ yếu bị ô nhiễm hữu cơ ở từng đoạn sông với mức độ khác nhau. Riêng phía hạ lưu sông (từ Kim Sơn - Ninh Bình ra cửa Đáy): Nguồn thải ở thượng nguồn dồn về đã được pha loãng cộng với quá trình tự làm sạch của dòng sông nên chất lượng nước ở hạ lưu sông được cải thiện hơn.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nước trên sông Đáy được dùng vào mục đích khác nhau như phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và tiêu thoát nước thải, nước mưa. Điều đáng quan tâm là những xung đột trong sử dụng cùng một nguồn tài nguyên nước đã dẫn đến mâu thuẫn giữa các địa phương trong cùng một dòng sông: Hà Nội chủ yếu sử dụng nước sông như nguồn tiếp nhận và tiêu thoát nước thải. Còn các tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình lại sử dụng nước sông Đáy với các mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.
4. Trong chương trình hợp tác với Chính phủ Hà Lan, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã thực hiện xong hợp phần dự án quản lý chất lượng nước sông Đáy.
Tổng cục Môi trường cũng đang tích cực triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy. Mới đây, tại Hà Nam, Bộ TN&MT cùng lãnh đạo 6 tỉnh, thành phố trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy ký cam kết bảo vệ môi trường 2 lưu vực sông này mà trước mắt sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Đến nay, sông Đáy vẫn đang ngắc ngoải kêu cứu. Hơn bao giờ hết, rất cần sự vào cuộc, sự đồng lòng của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội cùng chung tay cứu dòng sông Đáy, trả lại vẻ đẹp của sông Đáy thơ mộng: "Dòng sông Đáy quê em/Sông trăng hay sông lụa/…Sóng xanh như mắt trẻ".
Minh Trang