Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Phiên họp - Ảnh: TTXVN |
Ông Trần Thanh Mẫn lưu ý, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) khi được ban hành phải bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng; khắc phục những bất cập; tạo bước chuyển biến tích cực, rõ rệt trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đây là dự án luật đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV, phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu để hiện thực được tầm nhìn cũng như định hướng, các chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo dõi sự phối hợp công tác thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Bộ Nội vụ- cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo- đã cầu thị lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội.
Về việc thẩm tra các báo cáo của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện, quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý, phải làm rõ thực trạng của việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; phân tích nguyên nhân của việc nợ đọng bảo hiểm xã hội, giải pháp đột phá để chống lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Cần chỉ ra được những bất cập của chính sách, pháp luật vể bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, từ đó có những đề xuất góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực này.
Toàn cảnh Phiên họp - Ảnh: TTXVN |
Đối với việc thẩm tra các nội dung về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị khai thác sâu tác động, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương...
Về việc thảo luận một số nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức, hoạt động của Ủy ban, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị, mỗi thành viên Ủy ban phải thường xuyên theo sát diễn biến, tình hình thực tiễn và nắm chắc tình hình của từng lĩnh vực phụ trách, kịp thời phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến thẳng thắn, xây dựng, sâu sắc trong hoạt động của Ủy ban và các quyết sách của Quốc hội. Cần xác định rõ kết quả thực hiện, có sản phẩm rõ ràng, có bản lĩnh, chính kiến trong công tác giám sát. Trong quá trình thảo luận phương hướng công tác năm 2022, Ủy ban cần bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đoàn Quốc hội, của Tổ đảng ở Thường trực Ủy ban và các đề án lớn của Quốc hội để cụ thể hóa trong kế hoạch công tác, bám sát lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành của Ủy ban.
Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Xã hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch, phiên họp sẽ diễn ra trong 2 ngày (27/9 và 1/10). Đây là phiên họp đặc biệt quan trọng của Ủy ban khi sẽ xem xét, chuẩn bị nội dung phục vụ Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV đối với các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban. Ngoài ra, Ủy ban cũng thảo luận, thống nhất về “hành lang pháp lý” cho hoạt động của Ủy ban, đó là quy chế hoạt động của Ủy ban; thông qua danh sách các tiểu ban, đánh giá hoạt động của Ủy ban trong năm 2021 và định hướng hoạt động trong năm 2022, trong đó có hoạt động giám sát.
Ngay sau Phiên khai mạc, Ủy ban Xã hội tiến hành Phiên họp thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)./.
Theo TTXVN