Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Tài chính cho biết, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Sau hơn 3 năm thực hiện, qua rà soát và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, cho thấy việc triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương đã thu được những kết quả ban đầu, song vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Nghị định như:
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP rất rộng, bao gồm rất nhiều loại tài sản khác nhau như: (i) Tài sản bị tịch thu theo quy định của pháp luật (Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu); (ii) Tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước theo quy định của Bộ luật dân sự; hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; (iii) Tài sản của quỹ xã hội, tài sản của quỹ từ thiện bị giải thể; (iv) Tài sản do chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước; (v) Tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam theo cam kết sau khi kết thúc thời hạn hoạt động; (vi) Tài sản được đầu tư theo hình thức đối tác công tư; (vii) Tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, chìm đắm.
Do đó, việc tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định chung một trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản dẫn đến một số vướng mắc, không phù hợp đối với một số loại tài sản.
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn của một số lĩnh vực có khối lượng phát sinh rất lớn như: Quản lý thị trường, hải quan, công an, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng...
Một số loại tài sản có vướng mắc trong xác lập sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý một số loại tài sản được xác lập sở hữu toàn dân, như:
Đối với tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước biếu, tặng, cho, tài trợ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP thì thành phần Hồ sơ đề nghị xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước biếu, tặng, cho, tài trợ phải có Hợp đồng tặng cho tài sản. Tuy nhiên, thực tế, nhiều tài sản do các tổ chức, cá nhân cho tặng nhà nước, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tặng thì không lập thành hợp đồng mà chỉ có các văn bản như: Thỏa thuận cho tặng, viện trợ, tài trợ.... Do vậy, quy định phải lập thành Hợp đồng nêu trên gây khó khăn trong thực tế thực hiện.
Đối với tài sản tịch thu là vàng bạc đá quý, kim loại quý: Theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP thì cơ quan quản lý chuyên ngành (trong trường hợp này là Kho bạc Nhà nước) chịu trách nhiệm việc bảo quản, quản lý và xử lý tài sản là vàng theo quy định của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 20 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP về tổ chức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân thì vàng được xử lý theo hình thức là nộp vào Kho bạc nhà nước. Hiện nay, theo quy định pháp luật ngân sách thì Kho bạc chỉ hạch toán nộp ngân sách với tiền đồng Việt Nam, đối với việc xử lý vàng, kim loại quý chưa có hướng dẫn trong việc xử lý để Kho bạc các tỉnh thực hiện bán, nộp ngân sách Nhà nước.
Đối với tài sản tịch thu là ngoại tệ: Theo quy định hiện hành đối với tài sản là ngoại tệ thì thực hiện bán cho Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đối với ngoại tệ không phải là ngoại tệ tự do chuyển đổi và ngoại tệ không đủ tiêu chuẩn lưu thông thì chi nhánh Ngân hàng Nhà nước thì các địa phương không thực hiện mua và số ngoại tệ này đang lưu giữ, bảo quản tại KBNN. Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý.
Từ thực tế trên, việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 29/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là cần thiết. Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung các quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh