Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, các doanh nghiệp tại hội thảo "Chính sách ngành nước - phát triển bền vững" nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Nước Việt Nam 2022.
Theo nhận định của TS. Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay, hệ thống thoát nước các đô thị cơ bản là hệ thống thoát nước chung, chưa đồng bộ với phát triển đô thị, được xây dựng qua nhiều thời kỳ (nước mưa và nước thải chảy chung), ngoại trừ một số khu vực đô thị mới có đầu tư hệ thống thoát nước riêng. Khu vực nông thôn thoát nước chủ yếu là tự thấm, chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, quản lý thực hiện quy hoạch đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đặc biệt hạ tầng thoát nước không đồng bộ. Tình trạng ngập úng đô thị xảy ra hầu hết các đô thị với tần suất ngày càng gia tăng do mưa và thủy triều, đặc biệt thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn: Hà Nội, TPHCM, Đà nẵng, Cần Thơ,... và các đô thị ven biển, cửa sông và thậm chí cả các đô thị trung du miền núi cũng xảy ra ngập úng.
Hiện nay, ngành nước (cấp, thoát nước) thiếu hành lang pháp lý ở cấp luật chuyên ngành. Các vấn đề về khai thác nguồn nước, xả thải nước vào các nguồn nước đều được điều tiết chung từ 3 luật: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi và Luật Bảo vệ môi trường, không có quy định riêng đối với nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Hay như việc đầu tư xây dựng các công trình cấp thoát nước được điều tiết từ Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Doanh nghiệp…
Trong khi đó, Nghị định 117/2007/NĐ-CP và Nghị định 124/2011/NĐ-CP đã ban hành quá lâu với căn cứ các luật đã hết hiệu lực và không còn phù hợp với yêu cầu, thực tế phát triển của ngành cấp nước (như các vấn đề xã hội hóa, cổ phần hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, an ninh, an toàn nguồn nước, cấp nước an toàn…).
Ngoài ra, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải chỉ có các quy định chung cho thoát nước, chưa rõ các nội dung về thoát nước mưa; thoát nước và xử lý nước thải; các vấn đề đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống thoát nước (trách nhiệm cấp chính quyền, tổ chức, người dân, nguồn lực đầu tư, chi phí chi trả cho dịch vụ nước mưa, nước thải và phòng chống ngập úng đô thị…)
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hành lang pháp lý, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam đề xuất xây dựng và sớm ban hành Luật Cấp thoát nước. Trong thời gian xây dựng mới Luật Cấp thoát nước thì cần rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các văn bản dưới luật đang hiện hành như: Nghị đinh 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải...
Đồng quan điểm, ông Lương Ngọc Khánh, Trưởng phòng quản lý cấp thoát nước và xử lý nước thải, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, Chính phủ đang tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.
Hiện Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý, phát triển cấp thoát nước từ định hướng, quy hoạch, đầu tư xây dựng đến khai thác vận hành để cung cấp nước sạch ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe con người, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đó, các nội dung của luật phải bảo đảm đồng bộ với các pháp luật liên quan, thúc đẩy đầu tư, phát triển, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước; kiểm soát hoạt động cấp nước, thoát nước theo hướng sản xuất kinh doanh có điều kiện và chịu sự kiểm soát của Nhà nước.
Đồng thời, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tế; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính; thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; thu gom, xử lý nước thải theo lưu vực thoát nước, lưu vực sông; bảo vệ môi trường nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng và bảo đảm an sinh xã hội. Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và đầu tư phát triển công trình cấp thoát nước theo hướng thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, Bộ đang thực hiện rà soát, tổng kết Luật Tài nguyên nước năm 2012 để bám sát, giải quyết vấn đề nguồn nước, coi tài nguyên nước là trọng tâm, nghiên cứu điều chỉnh các quy định trong các luật khác để bảo đảm thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách: Bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hoá ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra và đề xuất sửa đổi bổ sung một số chính sách khác.
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Norihide Tamoto, chuyên gia về chính sách thoát nước của Tổ chức JICA cho biết, Nhật Bản đã đưa ra luật mới về ngập lụt trên diện rộng vào tháng 5/2021. Luật này nhằm mục đích ngăn ngập lụt nước thành thảm họa bằng cách quy định toàn diện các biện pháp đối phó trong lưu vực sông.
Nhấn mạnh Nhật Bản luôn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để xây dựng luật mới, ông Norihide Tamoto đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam như: Về khía cạnh môi trường, cần quản lý lưu vực sông và xử lý, tái sử dụng bùn thích hợp. Đặc biệt, chính sách và quy định chống lại việc chôn lấp bùn là rất cần thiết. Về khía cạnh tài chính, cần thiết lập nguyên tắc tài khóa như phí và hỗ trợ tài chính của Nhà nước.
Để thúc đẩy đầu tư, hình thức PPP có thể là một trong những lựa chọn, nhưng cần phải xem xét về cơ bản các công trình thoát nước mang tính công cộng cao và kinh doanh độc quyền. Đây cùng là khuyến nghị của đại diện Ngân hàng Thế giới đưa ra trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang suy giảm.
Hoàng Giang