Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là nội dung được các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi tại buổi Đối thoại chuyên đề: "Hoàn thiện pháp lý về nợ xấu sau khi Nghị quyết 42 kết thúc thí điểm" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 13/7 tại Hà Nội.
Thời gian qua, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng đã phát huy tác dụng.
Từ khi có Nghị quyết 42 ý thức của người dân, DN, trách nhiệm của họ đối với khoản nợ của mình đã được nâng lên một cách rõ rệt và họ tự nguyện bàn giao tài sản, tự nguyện xử lý tài sản. Bên cạnh đó, sự vào cuộc rất quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý được nợ xấu.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC), cho hay, kể từ khi thành lập (tháng 6/2013) đến nay, VAMC đã mua được khoảng 375.000 tỷ nợ xấu, trong đó, riêng giai đoạn từ năm 2017 đến nay, tức giai đoạn Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC mua được khoảng 114.200 tỷ nợ xấu (mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt).
VAMC thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp về xử lý nợ, kể cả các biện pháp mạnh, bao gồm biện pháp thu giữ tài sản. Bên cạnh đó, đối với một số khách hàng VAMC nhận thấy có khả năng vượt qua khó khăn phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị sẽ cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Từ năm 2017 đến nay, VAMC cũng phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý được khoảng 270.000 tỷ đồng, trong đó, thu hồi trực tiếp từ khách hàng hoặc thông qua biện pháp bán nợ, bán tài sản đảm bảo, thu hồi được khoảng 125.200 tỷ đồng. "Về kết quả cơ cấu lại nợ, số tiền miễn giảm lãi của VAMC từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, chúng tôi cũng phối hợp với tổ chức tín dụng thực hiện số tiền miễn giảm lãi đạt khoảng 4.031 tỷ đồng, gấp khoảng 4,2 lần so với giai đoạn 2013-2016", lãnh đạo VAMC cho hay.
Đánh giá cao những kết quả đạt được, TS. Cấn Văn Lực vẫn bày tỏ trăn trở về việc Việt Nam chưa có một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, ở đó có thể mua bán nợ xấu qua thị trường bình thường, tăng được thanh khoản, thu hút tiền của nhà đầu tư.
"Mặc dù nợ xấu nội bảng có vẻ như đang giảm thời gian vừa qua nhưng chúng ta vẫn phải có luật hóa để xử lý nợ xấu. Bởi vì nợ xấu nội bảng giảm nhưng nợ xấu tiềm ẩn lại tăng", chuyên gia Cấn Văn Lực lưu ý.
Ủng hộ quan điểm về việc tuân thủ các nguyên tắc thị trường, TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng (VNBA) khẳng định: Đã là kinh tế thị trường nên tuân thủ tối đa nguyên tắc của thị trường, có sự quan hệ sòng phẳng, bình đẳng giữa hai bên và phù hợp với quy định của pháp luật.
Nghị quyết 42 có một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình xử lý nợ xấu thời gian qua. Chính vì vậy mà Chính phủ đã kiến nghị với Quốc hội kéo dài Nghị quyết 42.
Thực tế, trong quá trình triển khai Nghị quyết 42 thì 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nợ xấu bao gồm cả nợ xấu tiềm ẩn giảm từ 17,2% xuống 6,3%.
"Nợ xấu cả nội bảng, ngoại bảng, nợ tiềm ẩn ở mức 6,3% là một con số khả quan. Dịch bệnh khiến doanh nghiệp đang cố phải vượt qua chính mình để ổn định, từng bước phát triển. Với tình hình đó, tôi cho rằng nợ xấu trong thời gian tới ở mức 6,3% là thực sự lý tưởng", TS Nguyễn Quốc Hùng nói.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Vũ Việt Hưng, Phó trưởng Ban Pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết thêm: Dù có nhiều ưu điểm, nhưng trong quá trình triển khai thực tế, Nghị quyết 42 cũng đang bị vướng ở chỗ muốn thu giữ tài sản đảm bảo phải có điều khoản về thu giữ trong thỏa thuận và các hợp đồng.
Nhưng tại điều 301 của Bộ Luật dân sự cũng quy định rõ là người có tài sản đảm bảo phải giao tài sản cho bên nhận bảo đảm để xử lý. Với trường hợp người giữ tài sản không giao tài sản, bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu tòa giải quyết trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
"Sắp tới khi làm dự thảo sửa Luật Các tổ chức tín dụng, mà trong đó có chương về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, cũng cần luật hóa điều này để giúp cho việc thu giữ tài sản đảm bảo được thông thoáng, không phụ thuộc vào luật khác cũng như các nội dung thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm", ông Vũ Việt Hưng góp ý.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay: Mới đây, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hoá các nội dung của Nghị quyết 42, đồng thời sửa đổi bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng.
Đại diện NHNH cho rằng, cần luật hóa toàn bộ nội dung của Nghị quyết 42, trong đó, bổ sung một số nội dung như quyền xử lý tài sản đảm bảo của các dự án là bất động sản; thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng thủ tục rút gọn.
Hiện tại với Nghị quyết 42, việc áp dụng trình tự xử lý rút gọn tại tòa áp dụng đối quyền tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền thu giữ tài sản. Tranh chấp hiện nay của các tổ chức tín dụng là tranh chấp về hợp đồng tín dụng. Do đó, các chính sách trong Nghị quyết 42 cũng cần sửa đổi bổ sung trong quá trình xây dựng hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu.
Nghị quyết 42 có liên quan đến rất nhiều luật như Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Tố tụng dân sự… Về quá trình triển khai, theo nguyên tắc của quá trình ban hành văn bản, phải lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Về quy trình, sau khi xây dựng dự thảo, NHNN sẽ lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, bao gồm cả ý kiến của các chuyên gia, các ngân hàng thương mại để bổ sung thêm trong quá trình luật hoá.
"Dự kiến trong khoảng tháng 7 và 8 này, NHNN sẽ chính thức lấy ý kiến", bà Vũ Ngọc Lan nói.
Anh Minh