Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.
Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT vào năm 2009 và năm 2019 vẫn chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Do đó, mục tiêu sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng. Khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật. Khắc phục những bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành nhằm phục vụ quá trình phát triển của đất nước. Luật hóa cam kết theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA…).
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều), bãi bỏ 1 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau sửa đổi lên 233 điều.
Nhấn mạnh, với việc bổ sung nhiều nội dung, số lượng các điều dẫn chiếu lớn dẫn đến không thuận lợi cho việc phổ biến, tuyên truyền và áp dụng pháp luật trong thực tiễn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc đổi tên dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ” thành “Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)” để Quốc hội xem xét, quyết định.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng |
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi Luật với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Về nội dung cụ thể, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm một số tài liệu nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhấn mạnh dự luật có nhiều nội dung nội luật hóa quy định của các điều ước quốc tế có liên quan, do đó về văn phong, kỹ thuật lập pháp cần phải được tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện để bảo đảm logic, dễ hiểu.Về tên gọi của luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật không nhất trí với đề xuất tên gọi "Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi)" của cơ quan soạn thảo. Lý do được đưa ra là với các chính sách được thể hiện trong dự thảo Luật, quá trình thẩm tra đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và thẩm định đều thống nhất tên gọi là "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ". Nếu thay đổi tên gọi thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) thì cần phải nghiên cứu toàn bộ 222 điều của Luật hiện hành để có phương án sửa đổi, bổ sung toàn diện, đáp ứng tối đa yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ...
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nêu các ý kiến cụ thể về các vấn đề liên quan đến: Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT; những quy định chung và nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan; đăng ký quyền đối với giống cây trồng;…