Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, nhiều chủ trương, giải pháp, quy định mới về xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; nhiều biện pháp phòng ngừa đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách, từ đó khuyến khích cán bộ tự giác nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, xin từ chức; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Nhân dân trong PCTN, tiêu cực được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong Nhân dân.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, gây dư luận không tốt; công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, trong năm 2023, những kết quả đạt được trong PCTN, tiêu cực là rất quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình công tác năm 2023, ngày 19/01/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTN, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong PCTN, tiêu cực.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, nhất là về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiêu cực, kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả rà soát Luật PCTN; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực đến năm 2030; triển khai xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…
Bên cạnh đó, triển khai đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của các địa phương theo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh và tăng cường theo dõi, đánh giá công tác PCTN tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực...
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Kết quả công tác PCTN đã tiếp tục thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng, không nghỉ, không chùng xuống của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2023, hoạt động lập pháp của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng thể chế hóa các quy định của Đảng liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực; đẩy mạnh công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện những văn bản có nội dung còn sơ hở, bất cập, có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ... Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ tiếp tục quan tâm; nhiều văn bản về quản lý KT-XH và PCTN tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở chính trị- pháp lý đồng bộ, khả thi để PCTN hiệu quả.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN vẫn còn hạn chế. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được khắc phục triệt để, một số bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định. Chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, một số quy định còn có nội dung sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Trong công tác xây dựng pháp luật, còn trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng hình thức văn bản khác không đúng quy định để thay thế cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; thực hiện cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
LS