Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Sau Triệu Miếu, Thế Miếu, lễ dựng nêu cũng sẽ được tổ chức tại điện Long An, diễn ra từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 6 Tết Nguyên đán. Du khách và người dân đến với di tích Cố đô Huế những ngày này sẽ được chứng kiến một nét đẹp văn hóa của người Việt đang được duy trì và tiếp nối trong đời sống hôm nay.
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết người ta làm lễ “thướng tiêu” tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Hình ảnh cây nêu từ bao đời nay được coi là biểu tượng thiêng liêng của ngày Tết Nguyên đán đối với người dân Việt. Tại nhiều làng quê của Thừa Thiên-Huế trong những những ngày giáp Tết, nhiều họ tộc đã tổ chức dựng nêu trước đình làng. Nhiều địa chỉ văn hóa của Huế cũng phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này.
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Cùng với lễ dựng nêu, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn tổ chức nhiều hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 tại Hoàng cung Huế, như: Chương trình "Hương xưa bánh Tết" tại cung Diên Thọ ngày 29/1 (tức 24 tháng Chạp); các ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết sẽ tổ chức Lễ đổi gác, trình tấu tiểu nhạc và đại nhạc, các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp, múa lân sư rồng... Ngày mồng 7 Tết sẽ hạ nêu, khai ấn tân niên, tặng chữ chúc xuân.
Thế Phong