Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh |
Đây là buổi làm việc thứ 2 của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sau khi Bộ Chính trị quyết định phân công trực tiếp phụ trách, chỉ đạo 5 tổ chức chính trị-xã hội.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước, đặc biệt là 5 năm gần đây của quá trình đổi mới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra các vấn đề luôn gắn với giai cấp công nhân Việt Nam mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tập trung triển khai và phối hợp hiệu quả với MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người lao động Việt Nam cũng như với xã hội.
Đó là công tác truyền thông, giáo dục; công tác phong trào hành động cách mạng; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền lợi ích của Công đoàn viên; thực hiện giám sát, phản biện và công tác xây dựng tổ chức của Công đoàn các cấp; chính sách cán bộ…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thời gian tới, hoạt động Công đoàn cần tiếp tục chú trọng lợi ích Công đoàn viên, tham gia, giám sát phản biện; đẩy mạnh thi đua sản xuất, nâng cao năng suất lao động; đặc biệt là phối hợp tổ chức phong trào của quần chúng nói chung và trong khối Công đoàn gắn với hội nhập quốc tế. Đứng trước sức ép của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nâng cao vai trò, chất lượng để thực sự đại diện cho quyền lợi của giai cấp công nhân, xem xét, lường trước những khó khăn khi hội nhập đối với tổ chức Công đoàn để thích ứng và khắc phục.
Liên quan đến vấn đề phát triển tổ chức Công đoàn, người đứng đầu MTTQ Việt Nam lưu ý Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần tiếp tục phát triển tổ chức, mở rộng đoàn viên Công đoàn trong DN, kể cả DN vừa và nhỏ; phát triển đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ năng lực, là những người tiên phong trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa; tăng cường việc tôn vinh, khen thưởng người lao động và các DN tiêu biểu, điển hình như người lao động sáng tạo, DN chăm lo tốt cho người lao động, DN hạnh phúc... Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn cần có các giải pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua trong giới trí thức; phối hợp với MTTQ Việt Nam tôn vinh đội ngũ trí thức sáng tạo trong thời kỳ hội nhập.
Đối với việc đổi mới phương thức hoạt động Công đoàn, trong đó có vấn đề thỏa thuận tăng lương tối thiểu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể kiến nghị với Hội đồng Tiền lương quốc gia kiện toàn tổ chức, mời thêm các chuyên gia kinh tế, chuyên gia của Mặt trận để tăng tính phản biện. Lộ trình tăng lương tối thiểu có thể xây dựng từ 3-5 năm để đến thời điểm nào đó sẽ đạt lộ trình tăng lương theo đề án, không nhất thiết năm nào Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng phải ngồi lại thương lượng việc tăng lương cho người lao động.
Liên quan đến việc thực hiện khởi kiện DN vi phạm pháp luật lao động, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân lưu ý cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, có sự trao đổi với chính quyền địa phương. Trước mắt, Tổng Liên đoàn có thể mời Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng tham gia phối hợp thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng khẳng định cam kết của Mặt trận sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình DN; tham gia góp ý kiến vào quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động bởi đây là Bộ luật có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia...
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Hoàng Anh |
Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có trên 9,2 triệu đoàn viên Công đoàn. Trong thời gian qua, Công đoàn các cấp đã tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Các cấp công đoàn phối hợp với ngành chức năng tổ chức hơn 11.300 cuộc kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người lao động; tư vấn pháp luật cho hơn 141.000 lượt người lao động; hỗ trợ bảo vệ tại tòa án cho 61 người lao động...
Thực hiện chức năng giám sát, trong năm 2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội trong các loại hình DN tại 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hà Tĩnh, TPHCM, Bình Dương, đồng thời chỉ đạo các tỉnh thành khác chủ động triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức tập huấn cho các cấp Công đoàn về việc khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể, tích cực chuẩn bị các điều kiện để thí điểm tiến hành khởi kiện một số DN vi phạm pháp luật về lao động, Công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động tại một số địa phương.
Tổng Liên đoàn đang triển khai kế hoạch đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác với một số đối tác để xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên, ưu đãi cho đoàn viên Công đoàn Việt Nam.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất Trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động, nhất là trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động trong thời gian tới.
Ngọc Quang