• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Thông cáo báo chí của VPCP về hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 5/12.

06/12/2017 08:58

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng EU

Ngày 5/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Đại tướng Mikhail Kostarakos, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) đang ở thăm Việt Nam.

Cùng dự buổi tiếp còn có Đại sứ EU Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng hoan nghênh chuyến thăm của Đại tướng Mikhail Kostarakos, cho rằng chuyến thăm góp phần cụ thể hóa các nội dung hợp tác về quốc phòng trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác hợp tác Việt Nam-EU (PCA) có hiệu lực từ 1/10/2016.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Hiệp định PCA đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Trong thời gian qua, hai bên đã có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao bên lề các hội nghị quốc tế, trong đó có cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hồi tháng 11 vừa qua tại Manila, Philippines.

Hiệp định PCA là hiệp định khung điều chỉnh quan hệ Việt Nam-EU thay thế Hiệp định khung Việt Nam-EC năm 1995. Hiệp định gồm 8 chương (Bản chất và phạm vi, Hợp tác phát triển, Hòa bình và an ninh, Thương mại và đầu tư, Hợp tác pháp luật, Hợp tác trong phát triển kinh tế xã hội và các lĩnh vực khác, Thể chế, Các điều khoản cuối cùng), xác định nội dung, phạm vi và hình thức hợp tác, tạo khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai bên trong tất cả các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ hợp tác quốc phòng, góp phần tăng cường hiểu biết, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và EU.

Việt Nam quan tâm hợp tác trong các lĩnh vực an ninh biển, an ninh mạng, cũng như các lĩnh vực mới như gìn giữ hòa bình, Phó Thủ tướng khẳng định, đồng thời cho biết, 10 năm trước ông đã từng đến Haiti để tìm hiểu kinh nghiệm gìn giữ hòa bình của EU.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn cá nhân Đại tướng Mikhail Kostarakos tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương ngày càng phát triển, phù hợp với lợi ích của hai bên, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác cùng có lợi và phát triển.

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng EU Mikhail Kostarakos thông báo với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh về nội dung cuộc hội đàm với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại tướng Mikhail Kostarakos cho rằng đây là thời điểm để Việt Nam và EU thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó có lĩnh vực quốc phòng.

Đại tướng Mikhail Kostarakos cho biết, tại cuộc hội đàm trước đó với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, phía EU đã đề xuất 6 nội dung hợp tác cụ thể với Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực đào tạo, an ninh hàng hải.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu

Chiều 5/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (EP) đang thăm Việt Nam.

Ông Jan Zahradil cũng là Phó Chủ tịch Đảng Bảo thủ cải cách - một trong 3 chính đảng quan trọng nhất EU, Trưởng Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam của EP gồm 30 thành viên thuộc nhiều quốc gia khác nhau.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảm ơn ông Jan Zahradil đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại EP, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU nói chung, cũng như Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng.

Ông Jan Zahradil cho biết, Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại EP sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vận động EP thông qua EVFTA vào năm 2018. Ông Jan Zahradil cho rằng, khi EVFTA được triển khai sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp hai bên và trở thành một biểu tượng về hòa bình và tự do thương mại trên thế giới.

Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP cho biết, quan điểm của Nhóm nghị sĩ là cần nhanh chóng hoàn tất khâu rà soát pháp lý EVFTA, không sửa đổi, bổ sung các vấn đề ngoài thương mại vào EVFTA để nhanh chóng trình EP và Quốc hội Việt Nam thảo luận, thông qua.

Đồng tình với ông Jan Zahradil, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, các bộ, ngành của Việt Nam đang tích cực rà soát dự thảo EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) và sớm có phản hồi cho EU. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới vai trò, đóng góp quan trọng của Ủy ban Thương mại quốc tế của EP đối với quá trình hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai bên và nhấn mạnh các thoả thuận mà Việt Nam và EU đạt được tại EVFTA cần phải được trân trọng.

“Việt Nam sẽ nỗ lực, cùng với châu Âu để chứng minh cho thế giới biết rằng tự do thương mại là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và EVFTA là một trong những hiệp định mẫu mực nhất về tự do thương mại”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ, Chính phủ Việt Nam mong muốn được chào đón Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại EP sang thăm, tìm hiểu về đất nước Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Đồng Nai về quản lý giáo dục mầm non

Ngày 5/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác giáo dục mầm non.

Trước đó, Phó Thủ tướng trực tiếp thăm một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại phường Long Bình, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

“Lâu nay, Đồng Nai đã chịu sức ép rất lớn trong việc lo hạ tầng xã hội cho người lao động từ các tỉnh khác tới làm việc. Câu chuyện nhà ở rất khó khăn, y tế cũng vậy, đặc biệt là giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non. Người lao động và cả doanh nghiệp đều muốn gắn bó lâu dài, nhưng nếu không giải quyết được vấn đề này thì nhiều người, nhất là lao động nữ, buộc phải về quê sau khi lấy chồng, sinh con”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề. Đồng Nai cần đi thẳng vào những bất cập, hạn chế và cùng các bộ, ngành đối thoại, tháo gỡ ngay trong buổi làm việc.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, bà Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết hiện hệ thống trường mầm non công lập trên địa bàn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tại nhiều khu công nghiệp (KCN), nhà máy, việc đầu tư thành lập nhà trẻ, trường mầm non cho con công nhân chưa được quan tâm. Toàn tỉnh chỉ có 4 trường mầm non nằm ở KCN, 20 trường và 275 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục nằm giáp ranh các KCN.

Vì vậy đa số người lao động, công nhân trong các KCN, những người có thu nhập thấp phải chấp nhận gửi con vào các cơ sở giữ trẻ với chi phí thấp. Tại một số nhóm, lớp chưa được cấp phép, người trông giữ trẻ không có nghiệp vụ sư phạm mầm non, thiếu kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ.

 “Theo quy định của Bộ GD&ĐT quy mô nhóm lớp từ 50 cháu trở phải thành lập trường, nhưng lại vướng quy định phải có đất dành cho giáo dục, trong khi nhiều cơ sở đang sử dụng nhà ở để trông giữ trẻ”, bà Hiệp cho hay.

“Mục đích cuối cùng là để các cháu được chăm sóc đầy đủ, an toàn. Vì vậy các quy định đưa ra phải sát thực tiễn, mang tính linh hoạt, phù hợp, tạo điều kiện cho địa phương có những cách làm năng động, sáng tạo”, Phó Thủ tướng trao đổi ngay.

Đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù trên cả nước các cơ sở giáo dục mầm non công lập chiếm tỷ lệ tới 84%, tại Đồng Nai chỉ chiếm 16%, nhưng tỷ lệ trẻ đến lớp cao hơn trung bình cả nước. Tỉnh có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong huy động được nguồn lực xã hội hoá vào lĩnh vực này.

Đồng Nai cần tiếp tục phát huy những mô hình hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non tư thục như ngân sách hỗ trợ giáo viên, sữa học đường, thi đua khen thưởng cho giáo viên… theo hướng không phân biệt trường công, trường tư, Phó Thủ tướng mong muốn.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, thực tế ở nhiều KCN cho thấy thu nhập của công nhân còn thấp, phải làm thêm giờ, tăng ca nhiều, nên buộc phải lựa chọn các nhóm lớp mầm non tư thục. Vì vậy, rất cần những cơ chế, chính sách linh hoạt để có thể quản lý được các nhóm lớp mầm non tư thục ở quy mô khác nhau.

“Hỗ trợ về kinh phí thì chúng ta cố gắng trong khả năng có thể, nhưng về cơ chế, chính sách thì phải gỡ bằng được cho địa phương, không cào bằng, nhất là những tỉnh có nhiều KCN như Đồng Nai, Thái Nguyên, Bắc Ninh…”, Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa thông tư liên quan đến điều kiện thành lập nhóm lớp, trường mầm non tư thục.

“Nếu Bộ cứ quy định người mở nhóm lớp phải tập huấn, phải thi cấp chứng chỉ để bảo đảm chất lượng thì rất khó, sẽ không có đủ lớp, dẫn đến trông trẻ chui mà công nhân vẫn phải gửi. Như vậy cách làm tưởng là tốt nhưng chất lượng lại không bảo đảm. Có cách nào đổi mới không, để các nhóm lớp được quản lý thực sự, tạo thuận lợi tối đa để thành lập trường khi có điều kiện?” - Phó Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời đề nghị các bộ, ngành rà soát lại các quy định về sử dụng đất giáo dục trước thực tế nhiều nhóm lớp, trường mầm non tư thục đang sử dụng đất ở để hoạt động.

Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh Đồng Nai trong phát triển hạ tầng, thiết chế văn hoá xã hội ở các KCN.