Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu đồng bào dân tộc thiểu số năm 2017. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Đảng ta luôn xác định công tác dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp cách mạng.
Trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong mỗi bước đi của cách mạng Việt Nam, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng đồng bào chiến sĩ cả nước một lòng chung thuỷ sắt son theo Đảng và Bác Hồ, cống hiến công sức và xương máu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Lịch sử dân tộc mãi mãi ghi nhớ các chiến công hiển hách của đồng bào các dân tộc ta gắn liền với các địa danh lịch sử như Bắc Sơn, Tân Trào, Điện Biên Phủ, Buôn Ma Thuột, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cùng đồng bào cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.
Với sự đóng góp của người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân, cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực, đời sống văn hoá đã được nâng cao một bước, văn hoá truyền thống được tôn trọng và bảo tồn, phát huy. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo tiền đề cho quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, rút ngắn trình độ phát triển giữa các vùng miền trong cả nước, thực hiện công bằng xã hội, củng cố niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận đóng góp to lớn, sự nỗ lực thi đua học tập, lao động, phát triển kinh tế cùng xây dựng đời sống văn minh no ấm trong cộng đồng các dân tộc, từng bước làm thay da đổi thịt trong cộng đồng các dân tộc, góp phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phó Thủ tướng khẳng định: Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đồng bào các dân tộc có nhiều cố gắng, vươn lên. Nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên vùng đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo trong đồng bào còn cao, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống. Nhiều tiềm năng lợi thế của địa phương, vùng miền chưa được khai thác, phát huy đúng mức.
Hoạt động văn hóa, trình độ dân trí còn hạn chế, chất lượng và hiệu quả giáo dục chưa cao, hệ thống y tế còn bất cập nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Năng lực trình độ của cán bộ cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn yếu. Nhiều vấn đề bức xúc trong đồng bào còn chậm được giải quyết. Các tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn hiệu quả, an ninh trật tự còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định.
Thông qua lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ mong muốn các đại biểu tiêu biểu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng đất nước. Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tập trung đẩy mạnh phát triển vùng dân tộc thiểu số với tốc độ cao hơn bình quân chung cả nước; phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh và bền vững, ưu tiên giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.
Từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hoá, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định an ninh quốc phòng.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với mục tiêu vùng dân tộc và miền núi có hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu, đầy đủ, kiên cố, ngang bằng với mức trung bình của các vùng miền khác trong cả nước; không còn xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống, phát triển các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông-lâm- ngư nghiệp; gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, khuyến khích đồng bào tự tin khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, xây dựng, sửa đổi; bổ sung các chính sách và tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực với vùng dân tộc thiểu số.
Đặc biệt là sự nghiệp giáo dục-đào tạo với việc chú trọng xây dựng các trường dân tộc nội trú, bán trú, dự bị đại học, dạy nghề cho con em đồng bào, nâng cao số lượng và chất lượng cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số. Phấn đấu để hầu hết đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ đời sống văn hóa, tiến bộ xã hội ngang bằng với mức trung bình các vùng miền khác.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tạo mọi điều kiện cho người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân người dân tộc thiểu số thực hiện tốt và phát huy vai trò của mình để xứng đáng với niềm tin yêu, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt, luôn sáng mãi ngọn lửa nhiệt tình từ trái tim với nhiều việc làm thiết thực, có ý nghĩa, góp phần làm cho vườn hoa “người tốt, việc tốt” tỏa hương, khoe sắc vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD
Chiều ngày 19/12, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành đã dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu (XNK) hàng hoá Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, ngày 12/12, hệ thống hải quan đã ghi nhận XNK hàng hoá của Việt Nam đạt mốc 400 tỷ USD. Dự kiến tới hết năm 2017, kim ngạch XNK của cả nước sẽ đạt mức 410 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Dấu mốc kim ngạch XNK hàng hoá đạt mốc 400 tỷ USD là thành tích của cả nước, sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, mỗi người nông dân và trực tiếp là ngành hải quan; khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước coi xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”.
Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với việc gia tăng kim ngạch XNK thì trong 2 năm qua, Việt Nam bắt đầu xuất siêu thương mại. Đến thời điểm này, cả nước đã xuất siêu 2,5 tỷ USD và dự kiến cả năm nay sẽ là 3 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần cho Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh thành công của ngành hải quan và Bộ Tài chính trong năm vừa qua đã rất nỗ lực cải cách hành chính, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm các thủ tục hải quan, đặc biệt là đặt mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hải quan chuyên ngành.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính và các bộ liên quan phải tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan chuyên ngành. “Nhà nước chỉ tập trung xây dựng quy trình thủ tục, còn công tác kiểm tra phải ưu tiên kêu gọi xã hội hoá, tư nhân tham gia đầu tư thiết bị, các trung tâm kiểm định thiết bị, đo lường”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tiếp tục hiện đại hoá hải quan tới năm 2020 theo Chiến lược mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phát triển thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho thông quan, XNK, xuất nhập cảnh cả về hàng hoá, con người và phương tiện.
Các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý, cải cách và bảo đảm sự phối hợp trong kiểm tra hải quan chuyên ngành theo tinh thần Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ; tiết giảm hơn nữa thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tiếp tục nâng hạng môi trường kinh doanh và chỉ số cạnh tranh quốc gia vào nhóm ASEAN 4, thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi
Chiều 19/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban.
Tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 10 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 10,95% dân số; so với năm 2016, tăng 115.100 người. Trong đó, có 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,7% tổng số người cao tuổi); hơn 2 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.
Bên cạnh đó, hơn 9,3 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (92,8%), cao hơn tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân là 79,69 triệu người (85%).
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết, trong Tháng hành động vì người cao tuổi năm 2017, các địa phương vận động được 164,4 tỷ đồng; tổ chức được 56.095 lần khám, tư vấn sức khỏe cho hơn 2,1 triệu người; tổ chức 24.980 hoạt động thể dục thể thao với hơn 1,6 triệu người cao tuổi tham gia.
Về công tác chăm sóc sức khoẻ, có 912.357 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm/lần do trạm y tế xã tổ chức; hơn 1,2 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 61.609 lượt người cao tuổi bị bệnh nặng được nhân viên y tế đến nhà chăm sóc; 202.377 lượt người cao tuổi được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Cả nước có trên 71.000 câu lạc bộ về văn hóa, thể dục, thể thao thu hút 3 triệu người cao tuổi tham gia. Các loại quỹ của người cao tuổi ở các cấp tiếp tục có sự tăng trưởng, góp phần tích cực chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Cả nước có 9.617/11.161 xã, phường, thị trấn trong cả nước xây dựng được quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi; triển khai các hoạt động đối với người cao tuổi còn chậm.
Việc thực hiện Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau ở nhiều địa phương còn chậm do chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền, khó khăn về kinh phí trong tổ chức thực hiện. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Công tác thông tin dự báo còn chậm...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo một số bộ ngành làm rõ nguyên nhân nhiều nơi chưa thực hiện khám định kỳ cho người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi; vướng mắc triển khai hoạt động của quỹ chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi; một số địa phương chưa bố trí đầy đủ kinh phí cho công tác này…
“Các bộ khẩn trương ra văn bản đôn đốc địa phương, các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc những quy định trong Luật Người cao tuổi đối với công tác chăm sức khoẻ ban đầu, cũng như các chế độ, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác, trong đó tập ưu tiên cho nhóm đối tượng yếu thế”, Phó Thủ tướng đề nghị và lưu ý Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia thích ứng với gia hoá dân số theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương 6 (khoá 12) về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp cụ thể, không chỉ đạo chung chung, hình thức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị sơ kết triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam
Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị sơ kết 4 năm triển khai Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Bộ VHTT&DL tổ chức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các ý kiến phát biểu cần đi vào thực chất những vấn đề của bóng đá Việt Nam. Nhiều câu hỏi được Phó Thủ tướng đặt ra cho những người làm bóng đá: “Bóng đá Việt Nam có thể tiến bộ hơn không, đã giống quốc tế chưa hay phát triển theo hình chóp ngược? Trọng tâm là nhằm vào bóng đá trẻ, bóng đá phong trào, bóng đá nữ, hay giải chuyên nghiệp? Từ đó chúng ta mới có thể làm rõ chỗ nào, khâu nào yếu, ban tổ chức tốt chưa, chuyên nghiệp chưa? Còn hiện tượng nhường điểm, cho điểm, vỗ vai nhau không? Các giải bóng đá chuyên nghiệp trung thực, đã sạch chưa khi người dân thích xem bóng đá thiếu nhi hơn? Những người làm bóng đá Việt Nam có kiên quyết nói không với tiêu cực?”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là các vấn đề chúng ta phải đặt ra, bàn thảo kỹ để thống nhất phương châm hành động tiếp theo ra sao. Bóng đá không thể phát triển nóng vội, cần theo đúng xu hướng quốc tế, khoa học, có nền tảng căn bản từ dinh dưỡng trở đi với lộ trình cụ thể, kiên định thực hiện.
Từ gợi ý của Phó Thủ tướng, nhiều đại biểu đã có phát biểu tâm huyết, trăn trở nhằm kiện toàn hoạt động của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), đặc biệt là những bất cập trong công tác tổ chức thi đấu bóng đá chuyên nghiệp, đến công tác kỷ luật, trọng tài.
Sau phần trình bày của Ban Trọng tài, Ban Kỷ luật của VFF, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm: "Đừng ép khán giả không nghi ngờ trọng tài vì đó là quyền của khán giả. Trọng tài có thể sai sót trong trận đấu nhưng sau đó, Ban Trọng tài đã xử lý nghiêm minh, xử lý một cách chuẩn mực chưa? Ban Trọng tài có dám khẳng định không liên quan đến bất kỳ đội bóng nào không?".
Kết thúc muộn vào lúc 12h trưa, song vẫn còn nhiều đại biểu muốn bày tỏ ý kiến, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTT&DL, Tổng cục Thể dục-Thể thao, VFF tổ chức một cuộc đối thoại thẳng thắn để ghi nhận đầy đủ, trao đổi cởi mở về những vấn đề của bóng đá Việt Nam, từ đó xác định hướng nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng, phát triển một nền bóng đá đẹp, trung thực, chính xác không phải là một việc duy ý chí, làm ngay một lúc mà cần có lộ trình, cơ bản theo quy luật phát triển của thế giới từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ rồi đến giải đấu chuyên nghiệp, cấp độ đội tuyển. Đào tạo cầu thủ không chỉ về kỹ thuật, chiến thuật, mà cả đạo đức, văn hoá, đến chế độ tập luyện, dinh dưỡng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những CLB vô địch trong nước nhưng không đủ điều kiện tham gia giải châu lục vì không có đội trẻ hay tình trạng mượn cầu thủ để thi đấu giải trẻ, những vấn đề của Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài… cần phải được chỉ ra những gì không phù hợp, đang làm ngược so với thế giới.
Những gì được coi là “bộ mặt của bóng đá Việt Nam” như giải đấu chuyên nghiệp, đội tuyển quốc gia thì các hạn chế, bất cập cần phải được chấn chỉnh trong thời gian ngắn nhất.
Khẳng định bên cạnh việc huy động nguồn lực xã hội, bóng đá vẫn cần sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định pháp luật và thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL rà soát lại toàn bộ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. “Tinh thần là không để tình trạng khoán gọn trong phát triển bóng đá cho CLB hay doanh nghiệp”.
“Phát triển bóng đá là chiến lược dài hạn tổng thể nên tổ chức thực hiện phải có lộ trình từng bước, khoa học, kiên trì và kiên quyết. Cuối cùng là dứt khoát không tiêu cực. Làm được như vậy người dân sẽ đến sân đông hơn. Đây chính là nguồn lực để các CLB có thể tự chủ về tài chính, đào tạo vận động viên, nâng cao đời sống, thu nhập cho cầu thủ”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL
Ngày 19/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL” do Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (Bộ Xây dựng) cùng Công ty tư vấn RUA của Bỉ và Hoa Kỳ thực hiện.
Phạm vi của Đồ án bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP. Cần Thơ và 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL với tổng diện tích toàn vùng khoảng 40.604,7 km2, đường biển dài trên 700 km. Quy mô dân số toàn vùng khoảng 17,59 triệu người (số liệu năm 2015).
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, đơn vị tư vấn phản biện, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Về quan điểm chung, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sự phát triển bền vững của ĐBSCL phải gắn liền với khắc phục hiệu quả, thích ứng lâu dài với những tác động nhiều chiều của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo đó, Đồ án đã có cách tiếp cận vấn đề phù hợp, bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động cả bên ngoài, bên trong, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, thích nghi bền vững với BĐKH. Dựa trên cơ sở các kịch bản này, sẽ xây dựng được quy hoạch phát triển tổng thể, từ đó kế hoạch hóa, chỉ rõ nguồn lực, định hình những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể. Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện những kế hoạch phát triển đã đề ra một cách hiệu quả nhất.
Trên cơ sở đánh giá tác động của tất cả các yếu tố liên quan đối với vùng ĐBSCL, cần phân tích, nhận diện được đầy đủ các thách thức do BĐKH, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL.
Để tiếp tục hoàn thiện bản Đồ án trình phê duyệt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành liên quan đánh giá toàn diện lại 4 vấn đề gồm dự trữ nước ngọt, năng lượng, phát triển công nghiệp và cốt xây dựng.
Phó Thủ tướng cho rằng, nước là thuộc tính cốt lõi của vùng ĐBSCL, việc quản lý nước là vấn đề hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của toàn vùng. Do đó, Đồ án cần có đánh giá tổng thể về dự trữ nước ngọt (cả nước ngầm và nước mặt), từ đó nêu rõ các giải pháp thích ứng, ứng phó nhằm bảo vệ nguồn nước cho phát triển bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL” cần đánh giá một cách tổng thể về năng lượng, đặc biệt là năng lượng điện, trong đó xác định cụ thể nhu cầu, công suất của từng loại nguồn điện (mặt trời, nhiệt điện than, nhiệt điện khí…) để có những điều chỉnh kịp thời trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch.
Về phát triển công nghiệp, Phó Thủ tướng đồng tình với việc xác định chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thủy sản và thực phẩm; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nông nghiệp… Việc phát triển công nghiệp là xu hướng tất yếu, nhưng phải gắn với phát triển nông thôn, tiết kiệm đất đai, tài nguyên thiên nhiên.
Về cốt xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị cơ quan chủ trì Đồ án cần có những nghiên cứu cụ thể để tính toán, dự báo cụ thể các kịch bản và phương án ứng phó. “Cơ quan chủ trì phải tính toán kỹ, làm việc cụ thể với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tích hợp vào Đồ án”, Phó Thủ tướng kết luận./.