Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Đông hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam và các địa phương của Việt Nam
Sáng 18/8, trong ngày đầu tiên của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến với đồng chí Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông và toàn thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng thăm lại tỉnh Quảng Đông - biểu tượng thành công của công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc, có quan hệ gần gũi với lịch sử cách mạng Việt Nam, là nơi cách đây đúng 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước đã đặt chân đến để chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu phát triển của tỉnh Quảng Đông, đặc biệt là về kinh tế, quản lý đô thị, các mô hình đặc khu kinh tế; bày tỏ tin tưởng Quảng Đông sẽ tếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn hơn, phát triển ngày càng giàu mạnh, nhân dân hạnh phúc. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm một lần nữa cảm ơn những tình cảm, sự chia buồn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc, cá nhân đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc trên cương vị mới là để cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc trao đổi về các biện pháp tiếp tục đi sâu và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiếc lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ với Trung Quốc.
Bày tỏ sự xúc động khi đến viếng Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, thăm Di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chân thành cảm ơn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu gìn giữ, bảo tồn chu đáo các chứng tích lịch sử quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam, trở thành biểu tượng cho tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó giữa hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Khôn Minh thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông, nhiệt liệt chào mừng và bày tỏ vinh dự khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam lựa chọn thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông là điểm dừng chân đầu tiên trong trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Tô Lâm trên cương vị Người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Quảng Châu hoạt động cách mạng, thể hiện sự coi trọng cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai đảng, hai nước.
Đồng chí Hoàng Khôn Minh chúc mừng đồng chí Tô Lâm được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tín nhiệm bầu giữ cương vị Tổng Bí thư; bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao những kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Quảng Đông với các địa phương của Việt Nam, góp phần vào bức tranh phát triển chung của quan hệ Việt - Trung. Khẳng định nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước về ủng hộ các địa phương hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Quảng Đông và các địa phương Việt Nam thúc đẩy giao lưu, hợp tác thường xuyên; tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư và kết nối chiến lược; hoan nghênh các doanh nghiệp của Quảng Đông mở rộng quy mô đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hai bên đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân và tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ, củng cố nền tảng hữu nghị giữa nhân dân hai nước từ cơ sở, từ địa phương, thêm nguồn sức mạnh để quan hệ Việt - Trung phát triển ngày càng tốt đẹp, bền vững lâu dài.
Đồng chí Hoàng Khôn Minh khẳng định, Đảng bộ và Chính quyền tỉnh Quảng Đông hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam và các địa phương của Việt Nam; khẳng định sự coi trọng, quyết tâm và mong muốn của Quảng Đông trong việc cùng các địa phương giàu tiềm năng của Việt Nam tăng cường giao lưu hữu nghị và hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện nhận thức chung giữa Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển lên tầm cao mới.
* Bảo tồn, duy trì và quảng bá các di tích lịch sử cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc
Cũng trong sáng 18/8, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ đại diện các tổ chức hữu nghị, thân nhân của gia đình các tướng lĩnh cách mạng, các chuyên gia, cố vấn từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, các cán bộ, nhân viên đã và đang tham gia công tác bảo tồn các di tích liên quan đến cách mạng Việt Nam, nhân sĩ trí thức tiêu biểu của Trung Quốc, các học giả, nhà nghiên cứu về Việt Nam, nguyên đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và thanh niên Trung Quốc.
Cùng tham dự cuộc gặp có đồng chí Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, lãnh đạo Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc và Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, các thành viên đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, đại diện kiều bào, doanh nghiệp, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại tỉnh Quảng Đông.
Các đại biểu Trung Quốc xúc động chia sẻ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động tại Trung Quốc; về những ngày tháng sát cánh cùng các thương binh, bệnh binh Việt Nam cùng nhau xoa dịu các vết thương, chia sẻ về những hoạt động bảo tồn, duy trì và quảng bá các di tích lịch sử cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc; khẳng định sẽ tiếp tục kế thừa và tiếp nối “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, kiên trì lý tưởng, niềm tin chung trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Đồng chí Hoàng Khôn Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dành tình cảm đặc biệt cho Quảng Đông, khẳng định nhân dân Quảng Đông sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống hữu nghị như những dòng suối nhỏ và cùng gắn bó hội tụ vào dòng sông lớn của mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông dày công gây dựng và các thế hệ lãnh đạo, cùng nhân dân hai nước vun đắp mãi mãi là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần tiếp tục không ngừng nuôi dưỡng, phát triển.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng được gặp những người bạn, những người đồng chí, đại diện các tầng lớp nhân dân Trung Quốc, những người đã, đang và sẽ không ngừng thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ xúc động khi điểm dừng chân đầu tiên của đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam trong chuyến thăm Trung Quốc là Quảng Châu, nơi cách đây đúng 100 năm Bác Hồ đã đặt chân đến sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, chuẩn bị về lý luận, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đào tạo nên những lãnh đạo ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam như các đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hồ Tùng Mậu và “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn. Quảng Châu cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tiến hành hoạt động cách mạng Việt Nam, vừa tích cực tham gia phong trào cách mạng Trung Quốc và Quốc tế Cộng sản. Lịch sử sát cánh chiến đấu giữa các nhà cách mạng hai nước Việt Nam - Trung Quốc là tấm gương sáng trong phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản thế giới, đặt nền móng vững chắc cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã quan tâm gìn giữ và bảo tồn chu đáo Khu di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, những biểu tượng của tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Trong bầu không khí hữu nghị, ấm áp, tràn đầy tình cảm đồng chí, anh em, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tràn đầy tin tưởng rằng, mỗi đại biểu có mặt tại cuộc gặp gỡ này, dù là ai, ở cương vị nào, cũng đều có một mong muốn chung lớn là quan hệ Việt - Trung “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”, và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần “củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn” như được khẳng định trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam tháng 12 năm 2023, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
* Trước đó, tại Công viên Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương - địa chỉ du lịch văn hóa của thành phố Quảng Châu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Phạm Hồng Thái, cùng tưởng nhớ công lao của bậc tiền bối cách mạng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyện cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ý chí tự lực tự cường, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
Trước khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật lại hành động anh hùng của liệt sĩ Phạm Hồng Thái, mộ phần của đồng chí Phạm Hồng Thái có đặt dòng chữ “Mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái” bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để mỗi người dân Việt Nam khi đến Quảng Châu tìm về thăm viếng.
Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1895-1924), quê quán xã Hưng Nhân, nay là xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, là một chiến sĩ yêu nước của Việt Nam đã hy sinh tại Quảng Châu vào ngày 19/6/1924. Tham gia tổ chức Tâm tâm xã do Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong sáng lập vào năm 1924, Phạm Hồng Thái nhận nhiệm vụ ám sát toàn quyền Đông Dương Henry Merlin khi Merlin thăm tô giới Sa Điện. Việc không thành, Phạm Hồng Thái gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn. Sự kiện "Tiếng bom Sa Điện" đã gây chấn động báo chí và dư luận Trung Quốc bấy giờ, góp phần khích lệ phong trào giải phóng dân tộc đang nổi lên khắp châu Á.
Trân trọng, cảm phục tinh thần xả thân vì nước của đấng đại dũng Việt Nam, nhân dân Quảng Châu đã mai táng ông trên ngọn đồi Nhị Vọng Cương, mộ hướng về Tây Nam để hồn ông luôn vọng về Tổ quốc.
* Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tọa lạc tại ngôi nhà số 13 nay là 248 và 250, đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu - địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1924 đến năm 1927.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã xúc động chứng kiến các bức ảnh ghi lại những năm tháng hoạt động gắn bó mật thiết với nhân dân địa phương của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu.
Căn nhà số 13 là trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội.
Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, với tổng số 75 người. Người trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính. Những bài giảng của Người được tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường Kách mệnh”, cẩm nang hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một trong những văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1971, căn nhà số 13 đường Văn Minh được Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ gìn làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Trung Quốc.
Năm 2002, Chính quyền thành phố Quảng Châu đã đầu tư tu sửa toàn diện Di tích và khánh thành Di tích vào ngày 30/4/2002 nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, Cục Văn hoá Quảng Châu đã giữ gìn và phát huy tác dụng Di tích lịch sử này. Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm: Lớp học, phòng Bác ở, phòng ở của các học viên, bếp và gian trưng bày các tư liệu về thời kỳ Bác hoạt động ở Quảng Châu những năm 1924 – 1927. Di tích là địa chỉ đỏ quan trọng cho những người dân Việt Nam tới thăm mỗi khi đến Quảng Châu, là minh chứng sống động cho những năm tháng hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên đất bạn và cũng là hiện thân cho tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã xúc động ghi vào Sổ Lưu bút với nội dung: “Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam vô cùng xúc động đến thăm di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên -nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có những năm tháng hoạt động cách mạng, nơi đã đào tạo nên những thế hệ người cộng sản kiên trung đầu tiên của Việt Nam, nơi đã chứng kiến tình cảm quốc tế cộng sản vô tư, trong sáng và tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam- Trung Quốc. Chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước Trung Quốc, Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Quảng Đông luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tình hữu nghị Việt Nam- Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững!”.