Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Trung |
Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TƯ về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TƯ về ban hành quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Bộ Chính trị (khóa XI) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 16/5.
Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương từ điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ: Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW năm 2013 về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân được Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2016). Việc ban hành 2 Quyết định này vừa là yêu cầu của Đảng, vừa là nguyện vọng của nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội, nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ xã hội.
Hơn ba năm qua, kể từ khi có các Quyết định này, chủ trương của Đảng về giám sát, phản biện xã hội kể từ Đại hội X của Đảng đã được hiện thực hóa, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội được triển khai cụ thể, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện chức năng đại diện cho lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, qua 3 năm thực hiện, Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị (Khóa XI) đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt đã thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân. Ở Trung ương, Mặt trận đã phối hợp với 10 bộ, ngành triển khai chương trình giám sát ở các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội như chính sách với người có công; bảo vệ môi trường; thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội; thực hiện pháp luật về sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp…
Bên cạnh đó, 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức 721 cuộc giám sát, cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc, cấp xã tổ chức 49.564 cuộc. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ, chính quyền các địa phương, của các tổ chức, các doanh nghiệp, bệnh viện.
Qua đó kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, hạn chế vi phạm pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Trung |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong 3 năm qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 được tiến hành tích cực và có nhiều kết quả ý nghĩa.
“Qua 3 năm, hoạt động giám sát đã thấm sâu vào hệ thống”, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và chia sẻ: “Nếu không quyết tâm chính trị của Đảng, của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong 3 năm qua thì không có trên 56.000 cuộc giám sát, 56.000 lần Mặt trận và các tổ chức thành viên thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của dân và 56.000 bản kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan và tổ chức được giám sát. Đồng thời có hơn 30.000 ý kiến phản biện của người dân gửi đến chính quyền các cấp, hơn 90.000 cuộc đối thoại giữa nhân dân với chính quyền các cấp thông qua vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mặc dù cấp uỷ, chính quyền địa phương không trực tiếp tham gia giám sát nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện trong việc triển khai các chương trình giám sát. Do đó, hằng năm khi Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai chương trình giám sát, Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy phải nắm bắt và có sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và để bảo đảm giám sát đúng chỗ và đề cao quyết tâm chính trị.
Bên cạnh đó việc thực hiện giám sát, phản biện phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đủ sức đeo bám đến cùng. Ở Trung ương, sau khi thực hiện giám sát phản biện, phải rút kinh nghiệm và chuyển giao cách làm tới các tổ chức thành viên và các địa phương. Mặt trận cũng phải phát huy tối đa vai trò của các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát, phản biện.
Đối với công việc sắp tới, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Dân vận Trung ương xây dựng, phát hành cuốn “ Sổ tay hướng dẫn công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam” nhằm giúp cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức Đảng có tài liệu cơ bản, toàn diện và thực tế về công tác giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó, cần tổ chức hội nghị phản biện trực tuyến, có trao đổi kinh nghiệm từng vùng trong giám sát phản biện xã hội.